Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Tiền xưa với người nay

Tiền cổ, cũng như những cổ vật khác, khiến nhiều người “chết mê chết mệt” bởi chứa đựng những giá trị lịch sử độc đáo. Từ đồng tiền cổ nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay, hậu thế có thể biết được sự biến thiên của lịch sử qua từng giai đoạn, cả những dâu bể đời người, những vương triều trầm luân, hưng phế theo thời gian.
* Công phu nghề chơi

Hầu hết những người sưu tầm tiền cổ tôi gặp đều nói rằng họ đến với thú chơi này là vì thích, đam mê. Rằng những đồng tiền cổ bằng kim loại hình tròn có lỗ vuông ở giữa như có một “ma lực” nào đó khiến người ta có thể bỏ ăn bỏ ngủ dành hàng giờ để ngắm chúng, cất công lặn lội khắp nơi để sưu tầm, trao đổi.

Giá trị của một bộ sưu tập là đủ bộ, vì vậy những người chơi tiền cổ luôn tìm mọi cách để hoàn thiện bộ sưu tập của mình. Tuy nhiên, không phải loại tiền nào cũng có thể dễ dàng tìm được, dù tiền là một vật khá phổ biến. Bởi từ đồng tiền cổ đầu tiên của Việt Nam là Thái Bình Thông Bảo do vua Đinh Tiên Hoàng đúc cách đây hơn 1.000 năm đến đồng tiền xu cuối cùng của vua Bảo Đại là Bảo Đại Thông Bảo thì cũng đã không còn được lưu hành cách đây hơn 60 năm. Đặc biệt, những đồng tiền ra đời gắn với một sự kiện lịch sử nào đó, hay được phát hành với số lượng ít, những đồng tiền cái (tiền làm mẫu do vua đưa về cho các địa phương đúc tiền), tiền thưởng vua ban thì lại càng quý hiếm.

Anh Nam Phương - một người sưu tầm tiền cổ ở Quy Nhơn - cho biết bộ sưu tập của anh có đủ tiền của các triều đại Việt Nam, từ nhà Đinh (thế kỷ X) đến nhà Nguyễn (thế kỷ XX), nhưng lại vẫn… thiếu. Là bởi anh vẫn chưa sưu tầm đủ tiền của các đời vua của tất cả các triều đại. Chính vì thế, chơi tiền cổ, với anh là một hành trình tìm kiếm. Đó là một hành trình khó khăn, đòi hỏi người chơi phải bỏ thời gian, công sức và cả tiền bạc. Như để có được đồng Thánh Nguyên Thông Bảo của Hồ Quý Ly, anh Nam Phương đã đổi một số đồng giá trị của mình như đồng Quang Trung Thông Bảo 2 mặt (tức 2 mặt đúc giống như nhau), Cảnh Thịnh Thông Bảo 2 mặt, Quang Trung Nhị Nguyệt… Đến nay, Thánh Nguyên Thông Bảo là đồng giá trị nhất trong bộ sưu tập của anh Phương, bởi giá hiện nay trên thị trường đồ cổ của đồng này là khoảng 30 triệu đồng.

Cũng chơi tiền cổ nhưng anh Đức Luân - giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn - thì sưu tầm cả tiền Việt Nam và tiền Trung Quốc. Mang một túi nylon các đồng xu cũ kỹ, rỉ ten đồng ra, anh Luân khoe vừa mới đi Tây Sơn mua được cả trăm đồng tiền cổ, với giá 1.000đ/đồng. Trong số này, theo anh, giá trị nhất là một đồng Cảnh Thịnh Thông Bảo bị lỗi do nhảy khuôn, vì tiền bị lỗi rất hiếm. Trước đó, để có được đồng Quảng Hòa Thông Bảo của nhà Mạc - một mẫu tiền hiếm vì số lượng ít và thời nhà Mạc là thời kỳ lịch sử có nhiều biến động - anh Luân đã đổi một số mẫu tiền trong bộ sưu tập của mình, với trị giá nếu tính ra tiền là khoảng 600 ngàn đồng.

Để sưu tầm tiền cổ, ngoài những cách thức như mua bán, trao đổi, tìm kiếm từng đồng, những người chơi còn “mua sỉ” tiền cổ theo kiểu may rủi từ những người đi rà kim loại phế liệu. Nếu may mắn, họ có thể tìm được những đồng quý hiếm. Trong lần mua 1 chum tiền cổ 6kg ở Quảng Trị với giá 1,2 triệu đồng, anh Nam Phương đã may mắn tìm thấy 5 đồng Bảo Hưng Thông Bảo của vua Nguyễn Quang Toản - đời vua cuối cùng của nhà Tây Sơn. Sự tình cờ này đã giúp anh có đủ bộ tiền thời Tây Sơn, bởi đồng Bảo Hưng Thông Bảo khá hiếm nên không phải ai cũng có được.

Và mỗi khi có được một mẫu tiền cổ nào đó, những người sưu tập lại cất công tìm hiểu “lý lịch” của nó. Từ mỗi đồng tiền lại mở ra những câu chuyện thú vị.


Tiền thưởng của vua ban trong bộ sưu tập tiền cổ của anh Nam Phương.



* Chơi tiền cổ “được” gì

Tôi đem điều này hỏi những người sưu tầm, chơi tiền cổ, và nhận được câu trả lời là “chẳng được gì cả”. Thật ra, cái “được” nằm ở những giá trị tinh thần, còn lợi ích vật chất thì cũng có nhưng những người thật sự say mê tiền cổ không đặt nặng.

Khác với những loại cổ vật khác như đồ gốm sứ, đồ đồng, đồ gỗ… là vật dụng, tiền là một phương tiện thanh toán. Mỗi triều đại ngày xưa lại cho ban hành những loại tiền khác nhau, nên thông qua “lý lịch” của từng đồng tiền như: sự ra đời, vị vua ban hành, thời gian, cách thức lưu hành…, người ta có thể biết được khá nhiều về thời kỳ lịch sử đó, từ kinh tế đến chính trị, xã hội, văn hóa, từ những chuyện được sử sách chính thống ghi chép đến những giai thoại truyền miệng thú vị. Và chính điều đó mới là yếu tố khiến những đồng tiền cổ rỉ ten đồng xanh đỏ, chồng chất màu thời gian như “bỏ bùa” những người trót đam mê nó.

Anh Đức Luân, mỗi khi sưu tầm được một đồng tiền cổ liền tra sách, lên mạng tìm thông tin xem nó thuộc thời kỳ nào, vua lên ngôi ra sao, đặc điểm tình hình KT-XH lúc đó. Anh nói: “Cầm đồng tiền là biết được triều đại đó hưng vong thế nào. Đồng tiền nhỏ, mỏng, chất lượng đồng kém chứng tỏ nền kinh tế thời đó đi xuống. Đồng tiền đầy đặn, sắc sảo chứng tỏ là thời thái bình thịnh trị, như tiền của triều Lê sơ. Tiền thời Tây Sơn thì tinh xảo nhưng mỏng hơn tiền những triều đại trước vì vua ưu tiên để dành đồng đúc vũ khí”. Tương tự, anh Nam Phương nói rằng những đồng tiền cổ đã giúp anh có thêm hiểu biết về lịch sử, văn hóa, tình hình giao thương của các triều đại Việt Nam trong lịch sử.

Còn với anh V.Đ.L. - một người yêu thích tiền cổ và đã sưu tầm tiền của một số quốc gia trên thế giới, tiền Đông Dương, tiền miền Nam Việt Nam trước 1975 - thì bộc bạch: “Cái “được” cũng thật khó nói, chẳng qua là lưu giữ một nét văn hóa của người xưa mà thôi. Điều thú vị mà tiền cổ mang lại cho tôi thật đơn giản, cũng như ta có một giò lan đẹp, một tách cafe ngon hoặc như trò chuyện cùng một người tri âm”.

Với một người chơi tiền cổ khác xin không nêu tên thì đây giống như một nhu cầu tinh thần, cũng như người khác mê nhạc, say thơ. Điều thú vị mà những đồng tiền cổ mang lại là mỗi khi anh phát hiện người xưa đã dùng đồng tiền ấy như thế nào. Một đồng tiền bị cháy, đồng bị chảy ở lỗ vuông thì nhiều khả năng đã được dùng như một vật chặn ngang đầu tim đèn của dĩa đèn dầu thời xưa. Những đồng có dính một chút vàng thì nghĩa là nó đã từng được chôn cùng vàng, nên nó có thể đã trải qua những dâu bể đời người bởi loạn lạc hay binh đao lửa đạn. Cũng có khi, anh tìm được những mẫu tiền mà sử liệu không hề nhắc đến. Lúc ấy, đồng xu nhỏ lại chứa một ẩn số lớn thôi thúc anh phải đi tìm cho bằng được lai lịch của nó.

Và như đã nói, tiền cổ hấp dẫn người chơi bởi biết “kể” những câu chuyện đầy thú vị. Như “chuyện kể” của đồng Quang Trung Thông Bảo 2 mặt, rằng: Vào năm 1788, khi chuẩn bị tiến quân ra Bắc đánh quân Thanh, tại lễ đăng quang ở Phú Xuân, Nguyễn Huệ lập kế để động viên quân sĩ. Sau lúc làm lễ, ông cho mang đến một cái mâm đựng nhiều tiền, rồi tuyên bố với quân sĩ: “Nếu cả 200 đồng tiền này đều sấp, thì đó là điềm trời báo chúng ta đại thắng. Nhược bằng, có đồng ngửa, thì đó là đại sự của chúng ta có điều trắc trở”. Sau khi khấn vái, Nguyễn Huệ bưng mâm tiền hất tung xuống sân. Quân sĩ thấy các đồng tiền nhất loạt đều sấp, reo hò mừng rỡ, tin chắc trận ra Bắc sẽ thắng quân Thanh.

Kỳ thực, Nguyễn Huệ đã sai đúc 200 đồng tiền có 2 mặt đều là mặt sấp.


Anh Nam Phương với bộ sưu tập tiền cổ các triều đại Việt Nam của mình.



* Chuyện của người trong cuộc

Những người chơi tiền cổ vì đam mê (để phân biệt với người chơi theo hướng kinh doanh) không bao giờ trao đổi hay bán những đồng giá trị mình có, dù giá có thể rất cao, trừ phi cùng một mẫu có nhiều hơn 1 đồng. Với họ, những đồng độc đáo đó mới chính là linh hồn của bộ sưu tập.

Vậy mà, V.Đ.L., dù chỉ nhận rằng: “Đến giờ, thú chơi tiền cổ ở tôi chỉ ở mức chút xíu, chưa đủ đam mê để bỏ tiền ra “mua”, cũng không tránh khỏi nỗi buồn khi nhớ lại mình đã “vì có lúc quẫn bách, đem bán tiền xưa mà lấy tiền nay”.

Rồi một người chơi tiền cổ khác, dù có hẳn 1 weblog về tiền cổ, nhưng nhất quyết không cho đưa tên mình lên báo, vì không thích như vậy. Anh là một người sưu tầm tiền cổ đầy tâm huyết với lối chơi lãng tử pha lẫn chút kiêu bạc. Anh gắn bó với những đồng tiền cổ từ hơn 30 năm nay, và với anh, mỗi đồng đều chất chứa trong nó những kỷ niệm. Nên dù có trong tay một số mẫu tiền cổ Việt Nam quý hiếm và từng có một người chơi tiền cổ tận Mỹ tìm sang để mua với giá cao, anh vẫn nhất định không bán.

Tiền cổ vẫn đang kể những câu chuyện bất tận của mình về cuộc sống, nhân tình thế thái. Và chỉ những người đam mê tiền cổ mới thật sự biết lắng nghe.

Nguyên Sương
(http://www.baobinhdinh.com.vn)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites