Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Chàng sinh viên sở hữu... 40kg tiền cổ

Chàng sinh viên Nguyễn Nguyên Thông, 21 tuổi (năm 4, Trường Đại học Khoa học Huế) đang sở hữu... gần 40kg tiền cổ.

Thông kể: “Lúc còn nhỏ mình rất thích những vật độc đáo, lạ mắt, đặc biệt là tem thư”. Cứ mỗi lần bố mẹ có thư là Thông xin lại tem cất giữ để khoe với bạn bè. Lớn lên một chút, Thông còn thích chơi tiền cổ (tiền giấy và tiền xu) vì đơn giản là nó có hoa văn đẹp “để về trang trí phòng”.

Thế là từ niềm vui thích trẻ con ban đầu, dần dần cái “máu sưu tập” chuyên nghiệp đã ngấm vào người Thông từ lúc nào không hay.

Nguyễn Nguyên Thông bên bộ sưu tập của mình.

Sau hơn 10 năm sưu tập, giờ đây Thông đã có một bộ sưu tập tem, tiền cổ khá đồ sộ và là thành viên trẻ nhất của câu lạc bộ chơi tem cổ ở Huế. Hiện Thông sở hữu bộ sưu tập tiền xu, tiền giấy Việt Nam từ năm 1900 về sau và tiền MPC (Đô la đỏ). Trong đó đồ sộ nhất là bộ tiền giấy MPC với gần 300 tờ.

Giải thích về loại tiền này, Thông nói: “Khi sang xâm lược Việt Nam, để tránh việc nguồn tệ mạnh "chảy" ra nước ngoài, người Mỹ cho phát hành một loại đô la có mệnh giá tương đương với đô la chính thức để trả lương cho các nhân viên quân sự làm việc ở nước ngoài, gọi là đô la đỏ”.

Ngoài ra, đáng chú ý nhất trong bộ sưu tập tiền cổ của Thông là đồng xu Ba Son có mệnh giá 1 cent - ký hiệu K, phát hành năm 1875: “Khi Pháp xâm lược 6 tỉnh Đông, Tây Nam Kỳ, đã đem loại tiền này sang để đồng hóa dân An Nam, nhưng đồng tiền này lại không có lỗ nên nó không được ưa chuộng vì dân An Nam vốn có thói quen xỏ lỗ tiền xu thành xâu. Thế là Pháp đem loại tiền này tới xưởng Ba Son để đục lỗ với số lượng 10.000 đồng xu. Nhưng giờ đây loại tiền này cực hiếm”-Thông cho biết.

Nhờ thích chơi tiền, tem cổ mà Thông đã tích lũy cho mình một lượng kiến thức nhất định về văn hóa xã hội. Bằng chứng là năm lớp 9 chàng trai trẻ này đã ẵm 2 giải nhất cuộc thi học sinh giỏi tỉnh Thừa Thiên - Huế môn Lịch sử và Ngoại ngữ, khiến thầy cô và bạn bè phải nể phục.

Thông nói: “Mỗi lần tìm được một con tem hay tiền cổ, thì bằng mọi cách mình phải tìm hiểu được thông tin và quá trình lịch sử của nó để trao đổi với bạn bè, nhờ đó trình độ lịch sử và ngoại ngữ của mình cũng tiến bộ nhanh”.

Nguyễn Tiến Nhất
(http://www.baomoi.com)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites