Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Giá trị của những đồng tiền cũ

Tiền cũ (hay còn gọi là tiền cổ) là những đồng tiền hết thời hiệu tiêu dùng, tuy không còn lưu thông nữa nhưng tùy vào đặc điểm và sự hiếm có mà giá trị của chúng trở nên rất đặc biệt. Ở đây chúng tôi gọi là tiền cũ, bởi khái niệm này còn bao gồm cả những đồng tiền tuy chưa cổ, nhưng cũng đã có vị trí quan trọng trong hệ thống sưu tập tiền.

Đối với các loại tiền thời phong kiến (tiền kim loại đồng tròn-lỗ vuông), xét về niên đại thì chúng có tuổi đời xưa nhất trong sưu tập tiền Việt Nam, tuy nhiên, hầu hết các loại tiền thời kỳ này còn kém về giá trị thương mại. Sở dĩ có chuyện này vì hầu hết việc kiểm chứng thật giả thường rất khó xác định. Không ai giám chắc đồng tiền loại này là thật (tiền chính triều, hay do tư nhân cùng thời đúc ra), đó còn chưa kể hiện nay ở thị trường người ta làm giả loại tiền này rất nhiều để phục vụ khách du lịch trên địa bàn Hà Nội, Cố đô Huế và T.P. Hồ Chí Minh. Vì vậy, đối với loại tiền này thường có hai cách chơi được xem là có giá trị nhất, đó là, việc mua lại từ chính những nhà sưu tầm cao niên, có tên tuổi và thứ hạng trong giới sưu tầm tiền Việt Nam; kế đến là chơi nguyên khối (tiền vẫn còn đựng trong hũ- được chôn làm của để dành, hoặc làm đồ tùy táng).


Hũ tiền thời phong kiến được phát lộ
Trong cuốn sách “Tiền kim loại Việt Nam” của Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam phát hành năm 2005 có cả một phần xếp các đồng tiền theo tiêu chí “quý hiếm”, nhưng việc xếp loại này cũng chỉ mang tính chất tham khảo, giá của các đồng tiền ở thị trường tự do thường rất khác so với tiêu chí “quý hiếm”, nó thường căn cứ trên nhu cầu nhiều hơn. Ví dụ, trước thời điểm Hà Nội kỷ niệm 1000 năm tuổi, rất nhiều người tìm mua đồng Thuận Thiên Đại Bảo của Vua Lý Thái Tổ (1010-1028), giá được thực hiện thành công trên thị trường tự do có lúc lên đến trên dưới 5.000 USD, mặc dù đồng tiền này có niên đại còn sau nhiều đồng tiền khác, ví như đồng Thái Bình Hưng Bảo của Vua Đinh Tiên Hoàng (968-979), đã từng được bán rất đắt sau khi các nhà khoa học xác định chính xác đây là đồng tiền đầu tiên của Nhà nước phong kiến Việt Nam. Cho đến nay, việc mua bán được thực hiện như một “hợp đồng kinh tế chính thức” và có giá cao nhất thuộc về Nhà sưu tầm Nguyễn Đình Sử mua lại bộ sưu tập của ông Nguyễn Bá Đạm với giá xấp xỉ 1 tỷ đồng vào năm 2005. Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh mua lại “Bộ sưu tập bạc thoi”thời phong kiến Việt Nam của Nhà sưu tầm Nguyễn Nữ Thiên Hương với giá xấp xỉ 2 tỷ đồng sau triển lãm vào năm 2009.

Bộ sưu tập của Nguyễn Đình Sử được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, với sự cộng tác giám định và xếp loại của chuyên gia Bảo tàng tiền cổ Quảng Tây (Trung Quốc) hệ thống và xuất bản thành sách “Kho báu tiền cổ Đại Việt”. Nhiều đồng tiền giới thiệu trong cuốn sách này được các nhà khoa học đánh giá thuộc loại quý hiếm và cực hiếm. Quyển sách vinh dự được chọn làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia tới dự Hội nghị APEC tại Hà Nội năm 2006. Bộ sưu tập này hiện đã được phát triển lên đến quy mô khá đồ sộ, được Bảo tàng Hà Nội mượn trưng bầy trong dịp khai trương chào mừng Hà Nội 1000 năm tuổi.

Đối với các đồng tiền giấy thì việc phân định thật –giả thường dễ hơn. Mỗi thời, tùy vào trình độ công nghệ mà chất liệu giấy được làm ra thường rất đặc trưng, khó làm giả, đó còn chưa kể cách in mỗi thời cũng rất khác nhau, lịch sử tiền giấy Việt Nam cũng đã trải qua việc in tiền trên giấy nứa, giấy dó…cho đến giấy cotton, polymer như hiện nay. Việc in cũng từ cách in rập bằng khuôn gỗ theo lối thủ công cho đến trình độ in tiêu chuẩn quốc tế hiện đại nhất.

Vào năm Canh Dần (2010), nhu cầu mua đồng tiền giấy có hình con hổ, mệnh giá 500 đồng của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng hòa phát hành 1972 tăng đột biến, làm cho giá của đồng tiền này lên đến trên 3 triệu đồng một tờ…Những tờ tiền quý hiếm, thường có giá cao là những tờ 500 Piastres phát hành 1947 thu hồi 1954 của Nhà băng Đông Dương thời thuộc Pháp; tờ 100 đồng “Con trâu xanh” phát hành 1947-1949, tờ 10 đồng “Cụ Hồ đỏ” phát hành 1959 của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa…

Đối với các đồng tiền chưa cổ, nhưng đã có giá trị lớn thuộc về một số đồng tiền gần đây, kể cả đồng tiền hiện hành, bị lỗi, bị thu hồi…hết thời hiệu tiêu dùng cũng nằm trong mục tiêu của nhiều người sưu tầm tiền Việt Nam. Ví như tờ tiền 200 đồng của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng hòa phát hành 1955, thu hồi 1958; các tờ tiền chất liệu cotton mệnh giá 100 ngàn đồng phát hành năm 2000, thu hồi 2007; tờ 50 ngàn đồng phát hành 1990, thu hồi 2007 của Nhà nước CHXHCN Việt Nam…

Mặt trước tờ tiền 10 đồng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nga và một số nước Châu Âu khác, phong trào sưu tầm tiền còn đạt đến trình độ chuyên nghiệp, có hẳn các trung tâm đấu giá với “chứng chỉ vật niêm” và giá cả rõ ràng. Ở những nước phát triển, báu vật tiền cũ không chỉ mang giá trị về mặt vật chất do bản thân chúng đem lại mà còn mang những giá trị vô tiền, khoáng hậu, không thể giải thích được. Có những cuộc đấu giá “điên rồ” với những đồng tiền xu cũ kỹ, nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Như ở Anh, mức giá kỷ lục 1,8 triệu Bảng Anh (khoảng 2,9 triệu USD) đã được ghi nhận vào tháng 11/2008 tại sàn đấu giá London với đồng tiền xu 20 Rúp Nga bằng vàng seri năm 1755 có chân dung Nữ hoàng Ekaterina Đệ nhị. Và kỷ lục thế giới thuộc về đồng tiền xu Mỹ với hình con đại bàng hai đầu đúc năm 1933, mệnh giá 20 USD đã được bán với giá 7,5 triệu USD…

Mới đây, Ngân hàng Nga đã đưa vào lưu thông đồng tiền xu mới 5kg vàng, mệnh giá 50.000 Rúp để đánh dấu kỷ niệm lần thứ 150 của ngân hàng này. Đồng tiền độc đáo được đúc với số lượng 50 bản và đang hứa hẹn trở thành đồng xu sưu tập cực quí hiếm, bởi chỉ riêng trị giá vàng trong đồng xu này đã cao hơn 5 triệu Rúp (khoảng 165.000 USD).

Những xu hướng sưu tầm tiền cũ đang là một trào lưu rất phổ biến trong xã hội đương đại. Giá trị của mỗi đồng tiền không chỉ tùy thuộc vào vật chất do bản thân chúng mà còn có những giá trị lịch sử, nghệ thuật độc đáo, cùng với tuổi thọ lâu đời, bền bỉ của chúng đem lại. Đôi khi cũng chỉ vì khan hiếm, hoặc độc nhất vô nhị, đồng tiền bỗng có một giá trị đặc biệt, vượt lên tất cả các giá trị khác cộng lại. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận giá trị của mỗi đồng tiền còn tùy thuộc rất nhiều vào trình độ phát triển kinh tế- xã hội của mỗi quốc gia quy định. Bù lại, việc sở hữu những đồng tiền độc đáo này đã làm tăng giá trị, khẳng định và tôn vinh đẳng cấp của người sở hữu chúng.
MT
(Theo Ngân hàng nhà nước Việt Nam)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites