Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Nhìn lại tiền tệ Viễn Đông xưa

Viện bảo tàng Anh ở London sau cùng cũng khánh thành được phòng trưng bày tiền vào đầu năm 1997 nhờ lô tiền do Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải sưu tầm và gửi tặng. Nhìn lại cho thấu đáo, hóa ra đồng tiền cũng bắt nguồn từ châu Á. Và người ta ghi nhận được gì qua những mẫu tiền cổ châu Á?

Cứ thấy mẫu đồng xu tròn, bằng đồng, giữa có lỗ vuông là người ta nhận ra đó là tiền của các nước Viễn Đông ngày xưa. Thứ tiền này ra đời ở Trung Quốc từ thế kỷ 4 trước CN và sau đó lan tràn khắp nơi, tới Trung Á, Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác. Việc phát hiện dấu vết đồng tiền này ở nhiều nơi cho ta biết đã có những con đường giao thương nối Nam Á, Tây Á, Úc và châu Phi. Mẫu tiền này cho đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn được sản xuất, tuy rằng đã nhiễm văn minh phương Tây ở chỗ không còn lỗ vuông ở giữa và những chữ viết nữa, thay vào đó là hình chạm một nhân vật nào đó.

Nhiều vật phẩm khác nhau được người xưa dùng làm tiền (vải lụa, gia súc, đồ trang sức, kim loại và cả vỏ sò ốc nữa), nhưng đến đời nhà Chu (thế kỷ 6 trước CN), các vua cho đúc những dao mác nhỏ bằng đồng để làm tiền. Thời điểm này gần trùng với những đồng tiền xu đầu tiên của phương Tây. Sau 3 thế kỷ loạn lạc, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc mới làm ra đồng xu tròn có lỗ vuông ở giữa, có khắc hai chữ "bán lượng" (nửa lượng).

Đời nhà Hán, những đồng xu mang những giá trị nhỏ hơn để dễ dàng cho việc trao đổi và trở nên phổ biến ra cả ngoài biên giới Trung Quốc. Đến đời nhà Đường, vua Cao Tổ, năm 621 sau CN, không cho khắc cân lượng giá trị tiền trên đồng xu nữa mà cho khắc niên hiệu mình vào đó. Đồng tiền đầu tiên theo kiểu này là Khai Nguyên thông bảo.

Mẫu tiền này lập tức được các vua chuá châu Á ưa chuộng. Đồng xu đầu tiên của Nhật ra đời năm 708, của Việt Nam năm 970 và Hàn Quốc năm 996. Các thứ tiền này đều khắc chữ Hán, nhưng các mẫu tiền ở Trung Á thì dùng văn tự khác, tuy có cùng hình thức.

Loại đồng xu Khai Nguyên này phổ biến khắp Viễn Đông cho đến thế kỷ 19, khi các loại tiền phương Tây tràn ngập châu Á. Những đồng tiền cuối cùng theo kiểu này ở Trung Quốc là Dân Quốc thông bảo phát hành năm 1912 sau cách mạng Tân Hợi, ở Việt Nam là Bảo đại thông bảo (lưu hành từ 1926 đến tận 1945), ở Nhật là đồng Bunkyu eiho (1863-67), ở Hàn Quốc là đồng Sang pyong (1633-1887).

Như thế, mẫu tiền này đã tồn tại ở châu Á đến hơn 2000 năm, kể cả trong những thế kỷ mà châu Á đã biết tới thứ tiền phương Tây, được làm bằng kim loại qúi hơn đồng và có chạm hình thay vì chữ, nhưng đồng tiền truyền thống ở đây cũng không đổi. Chân dung xuất hiện đầu tiên trên tiền châu Á là hình Tôn Dật Tiên trên đồng tiền dân quốc làm ở Nam Kinh năm 1912.

Những đồng tiền bằng đồng giá trị nhỏ rất phù hợp cho chức năng chủ yếu của nó là để dễ lưu hành và thuận tiện mua bán nhỏ hàng ngày. Tại Nhật những đồng tiền đầu tiên cũng được làm bằng bạc, nhưng sau đó người ta dùng đồng thế vào. Nhất là sau khi Nhật tìm ra mỏ đồng đầu tiên vào năm 708.

Đồng xu phương Đông gắn liền với quan niệm của người Trung Quốc. Ngày xưa họ tin rằng trời thì tròn còn đất thì vuông (thiên viên địa phương), nên đồng xu mang cả hai biểu tượng đó, lại thêm niên hiệu nhà vua, được coi như "con trời", nắm thiên mệnh để cai trị dân. Hai mặt đồng xu còn biểu trưng cho âm dương, lỗ vuông tượng cho ngũ hành (tượng trưng bằng đông tây nam bắc-bốn cạnh của lỗ- và trung-lỗ vuông ở giữa)

Đơn vị tiền nhỏ nhất ở TQ là wen, ở Nhật là mun và ở Hàn Quốc là mon. Tuy đọc khác nhau nhưng cùng có nghĩa là văn trong âm Hán Việt. Đồng tiền có đơn vị căn bản này có sức mua thay đổi theo thời gian, tùy thời thái bình hay loạn lạc, thiên tai. Qua sử sách, người ta biết giá một con ngựa chẳng hạn, vào đời Hán là 4,500 wen, đời Đường: 25.000 wen, đời Bắc Tống: 20.000, đời Nguyên 90.000 và đời Minh: 10.000. Điều này có nghĩa người ta còn có cách trao đổi khác đối với những mặt hàng giá trị lớn, tuy rằng giá cả vẫn được tính bằng đồng wen này (chẳng hạn người ta dùng vàng hay bạc thoi, hoặc lụa tính theo đơn vị tấm).

Triều đình không độc quyền đúc tiền, mà bất cứ đơn vị nào đúc tiền cũng được, miễn đủ cân lượng và được dân tin dùng. Sách Hán Thư có ghi kẻ nào pha chì hay sắt vào đồng để đúc tiền sẽ bị thích chữ vào mặt.

Một chức năng nữa của tiền là để đóng thuế. Ở đây lại càng rõ tiền xu đồng không thể là phương tiện chi trả duy nhất. Thuế có thể trả bằng hiện vật như lúa hay vải. Ở Nhật thời Minh Trị, thuế vẫn được đóng bằng lúa. Đời nhà Thanh TQ người ta đúc bạc nén để đóng thuế. Điều này chứng tỏ vai trò ngày càng cao của bạc trong hệ thống tiền tệ TQ, nhất là trong những giao dịch giá trị lớn.

Những đồng xu vô tri, giá trị chẳng là mấy, hoá ra lại hàm chứa biết bao tri thức và thông tin về lịch sử những xã hội ngày xưa.
Phương Lâm (Theo Discovery)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites