Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Hũ tiền cổ 13kg có từ thế kỷ XI

Theo những đặc điểm của mặt chữ thư pháp thể hiện trên đồng tiền và đặc điểm khuôn đúc có thể khẳng định đấy là đồng Nguyên Phong Thông Bảo, có từ thời nhà Lý - Trần. Những đồng tiền này có từ thế kỷ XI.

Ông Đào Tam Tỉnh cho biết tiền cổ phát hiện tại xã Nghi Kiều (Nghi Lộc) có từ thể kỷ XI

Như Dân trí đã đưa tin, vào đầu tháng 10/2011, ông Nguyễn Văn Thái (xóm 15, xã Nghi Kiều, Nghi Lộc, Nghệ An) trong lúc đào rãnh thoát nước trong vườn nhà đã phát hiện 1 hũ tiền cổ lên tới 13kg. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đào Tam Tỉnh - Giám đốc Thư viên tỉnh Nghệ An, Hội viên Hội di sản Việt Nam, hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam về số tiền cổ trên.

Căn cứ vào đặc điểm các Hán tự có trên những đồng tiền cổ, ông Đào Tam Tỉnh khẳng định trong hũ tiền cổ trên có nhiều đồng tiền có niên đại khác nhau, chủ yếu tập trung vào 3 triều đại Lý - Trần, Lê Trung Hưng và tiền nhà Thanh (Trung Quốc). Trong đó có đồng tiền Khang Hy Thông Bảo được đúc vào năm 1713 để kỷ niệm sinh nhật vua Khang Hy, vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Trung Hoa.


Đồng Khang Hy Thông Bảo với ý nghĩa khỏe mạnh và phát đạt

Mặt sau của đồng Khang Hy Thông Bảo là kiểu chữ triện ghi nơi đúc tiền ở Mãn Châu

Theo truyền thuyết, đồng tiền này được đúc lẫn với vàng nung chảy từ tượng 18 vị La Hán nên có quyền năng đặc biệt, trong dịp năm mới thường được tặng cho trẻ em làm bùa hộ mệnh. Mặt khác, đồng tiền này còn là bùa may mắn vì có chữ Khang Hy (có ý nghĩa sự khỏe mạnh và phát đạt). Phía sau đồng tiền có chữ triện, ghi lại nơi đúc tiền, ở Mãn Châu.

Loại thứ 2 là đồng Trị Bình Nguyên Bảo, đây là đồng tiền kẽm. Triều vua Anh Tông nhà Tống (Trung Quốc) cũng có tiền Trị Bình Nguyên Bảo được đúc từ thế kỷ XI. Tuy nhiên, xét đặc điểm của đồng Trị Bình Nguyên Bảo mà ông Thái đào được, ông Đào Tam Tỉnh cho rằng, những đồng tiền cổ này có xuất xứ từ Việt Nam, được đúc từ triều Lý - Trần.

Đồng Trị Bình Nguyên Bảo có từ thế kỷ XI, thời Lý - Trần

Loại thứ 3 là đồng Nguyên Phong Thông Bảo. Trung Quốc cũng có loại tiền Nguyên Phong Thông Bảo bằng kim loại. Tuy nhiên, Nguyên Phong cũng là niên hiệu của Vua Trần Thái Tông (thể kỷ XIII). Qua đặc điểm của đồng tiền, ông Đào Tam Tỉnh khẳng định đây là đồng tiền cổ của Việt Nam, được đúc vào thời Vua Trần Thái Tông.

Đồng Nguyên Phong Thông Bảo có từ thời vua Trần Thái Tông

Về chiếc bát sành đã được người buôn đồ cổ trả giá 6 triệu đồng, theo ông Đào Tam Tỉnh thì có từ thời Lê Trung Hưng. “Căn cứ vào đặc điểm của các đồng tiền, chiếc hũ và chiếc bát sành này thì có khả năng trong số tiền cổ phát hiện được ở Nghi Kiều còn có lẫn cả tiền Cảnh Hưng có từ thế kỷ XVIII. Trong đó các loại tiền cổ trên thì đồng Khang Hy Thông Bảo có giá trị hơn cả.

Tuy nhiên giá trị lớn nhất của số tiền cổ trên không phải là giá trị về mặt kinh tế mà nó có ý nghĩa đặc biệt về sử học và khảo cổ học. Với việc phát hiện những đồng tiền này ở Nghi Kiều cho thấy triều đại nhà Trần đã mở mang bờ cõi vào đây từ rất sớm. Trước đây, tại xã Trù Sơn (huyện Đô Lương) - cách vị trí phát hiện được 13kg tiền cổ này không xa đã phát hiện được một ngôi đền thờ công chúa nhà Trần cùng với nhiều đồ cổ Lý - Trần có từ thế kỷ XI-XII”, ông Đào Tam Tỉnh cho hay.

Chiếc bát sành có từ triều Vua Lê Trung Hưng
Toàn bộ số tiền cổ phát hiện được trong vườn nhà ông Nguyễn Văn Thái có thể được tập hợp vào thời Cảnh Hưng (Triều Vua Lê Hiển Tông - thế kỷ XVIII) hoặc triều nhà Nguyễn.

Hoàng Lam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites