Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Ông giám đốc mê tiền cổ

Bén duyên với tiền cổ từ một gánh đồng nát, 14 năm qua, ông Đào Tam Tỉnh, Giám đốc thư viện Nghệ An say mê sưu tập và nghiên cứu tiền cổ với mong ước lưu giữ truyền thống nghì̀n đời của cha ông cho thế hệ mai sau.

Dáng người gầy, khuôn mặt phúc hậu, giọng nọi chậm rãi, ông Đào Tam Tỉnh kể về cơ duyên đến với tiền cổ. Là cán bộ thư viện say mê nghiên cứu văn hóa lịch sử, từ năm 1997, ông Tỉnh bắt đầu đi sâu nghiên cứu chữ Hán và khám phá ra sự thú vị của chữ Hán đúc trên đồng tiền cổ của Trung Quốc, Việt Nam.

Không chỉ đa dạng trong các kiểu chữ mà từng thời kỳ lịch sử, từng chất liệu đều có kiểu in, hình dáng và kích thước khác nhau. Mỗi kiểu chữ Hán in trên đồng tiền đều chứa đựng kho tàng lịch sử, văn hóa phong phú. Từ sự liên hệ ấy, ông Tỉnh bắt đầu chú ý tới những đồng tiền cổ.

Ông Đào Tam Tỉnh bên bộ sưu tập tiền cổ của mình. Ảnh: N.K.
Năm 1998, ông Tỉnh vô tình biết bà chuyên đi dò đồng nát ở huyện Nam Đàn tìm được khoảng 2 tạ tiền xu trong lòng đất. Ngay lập tức, ông từ TP Vinh lên nhà người đàn bà đó, lục lọi trong các chậu nhôm, máng lợn và những bì tải phế liệu để lựa chọn các loại tiền và mua về̀. Đêm đó, ông thức trắng săm soi cả đống tiền xu cổ để nghiên cứu chữ Hán.

"Càng đọc, càng nghiên cứu, tôi càng say mê. Những đồng tiền ấy có tiếng nói riêng. Nó gắn với từng vị vua, từng triều đại và niên đại nhất định, cho ta biết được sự biến động của lịch sử. Hiểu nó, có thể hiểu thêm về lịch sử của đất nước. Vì thế, những đồng tiền cổ đã trở thành tiếng nói lịch sử của một thời đại", ông Tỉnh chia sẻ.

Hễ rảnh rỗi, ông Tỉnh lại lên đường tìm tiền cổ, lúc thì đến những người có đam mê sưu tầm, thầy cô giáo ở huyện vùng sâu, lúc lại chạy đến ông chủ phế liệu. Hiện nay, rất nhiều đại lý phế liệu ở khắp xứ Nghệ trở thành địa chỉ quen thuộc của ông Tỉnh. Chỉ cần có lô tiền cổ nào, lập tức chủ đại lý sẽ thông báo để ông đến xem.

Ông Tỉnh cho biết, việc tìm tiền cổ phần nhiều là cơ duyên chứ bỏ tiền ra mua như các đại gia chơi cổ vật là điều không thể. Cách đây mấy năm, ở huyện Quỳnh Lưu có một dòng suối gọi là "xôi tiền", thỉnh thoảng từ dòng suối lại trôi ra ít tiền cổ. Nghe vậy, ông Tỉnh tìm đến và nhìn thấy những đồng tiền rất hiếm, lần đầu bắt gặp, nhưng bị các đại gia trả giá 6-7 triệu đồng nên ông phải về tay không.

"Nhiều hôm đang đi chơi, nghe tin người dân đào ao, cày ruộng phát hiện tiền cổ tôi lập tức đến ngay. Nhiều người sẵn sàng cho không các đồng tiền để giúp ích cho việc nghiên cứu, nhưng cũng có hũ tiền nguyên đai nguyên kiện bị người dân bán cho giới buôn đồ cổ ở Hà Nội, Nam Định. Những hũ này sẽ được bán ra nước ngoài bởi giới đồ cổ quốc tế rất thích tiền cổ còn nguyên trong hũ sành", ông Tỉnh cho biết.

Một hũ tiền cổ còn nguyên màu xanh xỉ đồng và lấm lem bùn đất. Ảnh: N.K.
Đến nay sau 14 năm sưu tầm, ông Đào Tam Tỉnh đã có gần như đầy đủ bộ tiền cổ của các triều đại Việt Nam và Trung Quốc. Có bộ khi đào lên, đồng tiền dính kết vào nhau tạo thành những “thế tiền” rất lạ như hình tượng hai con lân hí cầu. Cũng có loại hai mặt đồng tiền đều có in hình và chữ, có đồng mặt phải in hình 12 con giáp, mặt trái hình chữ “Bát Quê” và cũng có đồng mặt phải hiện hình con Hạc, mặt trái in 4 chữ “Phú Quý Khang Vinh”…

Ông Tỉnh cho biết, cổ nhất là đồng tiền có in chữ triện “Bán Tuyền” và “Bán Tuyền Ngũ Thập” của thời nhà Hán. Tiếp đó là đồng tiền “Ngũ Thù” mỏng mảnh có lỗ vuông to ở giữa... Tiền đồng cổ nhất Việt Nam hiện có trong bộ sưu tập của ông Tỉnh là đồng xu có in chữ “Thái Bình Hưng Bảo” thời vua Đinh Tiên Hoàng và “Thiên Phúc Trấn Bảo” thời Lê Hoàn.

Ông Tỉnh cũng đang lưu giữ đồng̣ tiền "Hồng Đức Thông Bảo” thời vua Lê Thánh Tông và “Thuận Thiên Nguyên Bảo” thời Lê Lợi. Đây là hai bộ tiền được Lê Quý Đôn đánh giá đẹp nhất Việt Nam lúc bấy giờ bởi đồng tiền xinh xắn, tròn trặn, lỗ vuông sắc cạnh, chữ nét rõ, chất lượng đúc khá tốt, nét chữ thể hiện đẹp không thua kém tiền đồng Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Tỉnh cũng khiến giới chơi tiền cổ khâm phục khi nắm giữ bộ tiền giấy Cụ Hồ được in ở xưởng in tiền Hương Khê (Hà Tĩnh), một trong 4 xưởng đúc tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam.

Những bộ tiền này được ông Tỉnh cất giữ cẩn thận trong các quyển sổ bọc nylon, được phân chia theo thể loại và triều đại lịch sử. Một số hũ tiền còn nguyên vẹn màu mốc xanh của đồng và lấm lem của bùn đất. Nhiều nhà sưu tập và dân chơi đồ cổ tìm đến nhà ông Tỉnh để mua lại các bộ tiền với giá cao, nhưng ông nhất quyết không bán.

Bộ sưu tập tiền cổ được ông Tỉnh lưu giữ cẩn thận và được đặt theo thời gian các niên đại lịch sử. Ảnh: N.K.
Không chỉ sưu tập tiền cổ, ông Đào Tam Tỉnh còn viết các chuyên khảo về tiền cổ Việt Nam in trên nhiều báo, tạp chí. Những bài viết này là sự chia sẻ đam mê, hiểu biết và thể hiện sự am tường của ông về lịch sử, văn hóa cũng như những câu chuyện xung quanh đồng tiền của các triều đại trong lịch sử dân tộc.

"Với tôi, thú săn, nghiên cứu tiền cổ là đam mê đã ngấm vào máu thịt. Nhiều người thân trách khéo tôi là mang tiền thật đi mua tiền giả, nhưng thực sự mỗi đồng tiền cổ chứa đựng cả kho tàng lịch sử, văn hóa dân tộc, là minh chứng, là tiếng nói lịch sử của một thời đại. Việc lưu giữ những đồng tiền này sẽ giúp các thế hệ sau hiểu và trân trọng về lịch sử ngàn đời của cha ông", Giám đốc Đào Tam Tỉnh tâm sự.

Không chỉ đam mê tiền cổ, ông Đào Tam Tỉnh còn nổi tiếng với thú săn và nghiên cứu cổ vật và các bản truyện Kiều cổ. Ông cũng là nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử nổi tiếng ở xứ Nghệ với hàng trăm bài viết trên các báo, tạp chí cùng hàng chục đầu sách như Tác gia Nghệ Tĩnh, Danh sĩ vịnh Kiều, Câu đối xứ Nghệ, Bóng thi nhân, Kênh nhà Lê lịch sử và huyền thoại…

Hà Nguyên Khoa (www.vnexpress.net)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites