Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Những đồng tiền không chính thống( Kỳ 1)


Ngoài giá trị tiêu dùng, hóa ra đồng tiền, nhất là những tiền đồng trong quá khứ, còn lưu giữ trong chúng nhiều câu chuyện thú vị của xã hội, của các chính thể...

Chuyện từ một cuốn sách

Năm nay trong dịp sang Bangkok tôi có gặp một học giả phương Tây, là tiến sĩ R.Allan Barker. Ông tặng tôi cuốn sách do ông biên soạn, có tên là: Lịch sử tiền đồng Việt Nam (The Historical Cash Coins Of Vietnam, Singapore, 2004, tên sách tiếng Hán: Việt Nam Lịch sử Cổ tiền). Cuốn sách này trình bày một cách hệ thống lịch sử của tiền đồng (ta hay gọi là tiền trinh hay tiền xu) qua các triều đại phong kiến ở Việt Nam, có hình ảnh minh họa.

Tất cả những đồng tiền được kiểm nghiệm qua một bộ sưu tập hoàn hảo của các niên hiệu nhà vua đã phát hành ra được chú giải và sắp xếp theo tiến trình lịch sử, kể cả những biến đổi khác thường của nó trong những đợt phát hành tiền.

Điều mà cả tôi và ông chú ý, khi nói chuyện với nhau, lại không phải là những gì mà cuốn sách đã trình bày hệ thống, mà lại về những đồng tiền, không thuộc về chính triều do nhà vua phát hành, phần lớn ở đây do các cát cứ phong kiến, các quân nổi loạn (quân khởi nghĩa) phát hành, mà trong sách gọi là Rebel và các thế lực khác nhau xuất hiện trong suốt chiều dài phong kiến Việt Nam


Vĩnh Thiên thông bảo

Trong cuốn sách này đề cập đến các đồng tiền của Lê Ngã, Trần Cảo trong thời chống quân Minh (thế kỷ 15) và các nhóm nghĩa quân họ Trần, tiền của các nhóm vua Mạc ở Cao Bằng sau khi đã mất ngôi ở Thăng Long, tiền của chúa Trịnh và chúa Nguyễn, tiền của hai nhóm khởi nghĩa thời Nguyễn là Lê Văn Khôi và Nông Văn Vân và một số loại tiền không chính ngạch khác như tiền của các bà quý tộc nhà Nguyễn. Sự xuất hiện của những đồng tiền này cho thấy tình hình chính trị không thật ổn định của đất nước trong nhiều giai đoạn và các thế lực cát cứ có thời gian dài sống trên những địa bàn nào đó đủ sức quản lý và phát hành tiền tệ. Đây là nét thú vị của nghiên cứu kinh tế và chính trị thời phong kiến ở Việt Nam. Trước tiên tôi cứ tổng hợp và trình bày những gì trong cuốn sách đã viết rồi cuối cùng mới đối chiếu với tư liệu lịch sử Việt Nam sau.
Vĩnh Thiên thông bảo, loại bản lớn. Ảnh chụp hiện vật và bản rập của nó.

Đồng tiền không chính thức đầu tiên...

Đồng tiền không chính thống đầu tiên có tên là Vĩnh Thiên thông bảo của Lê Ngã, năm 1420. Trong sách nói: Trong năm 1420, dưới chế độ bảo hộ của nhà Minh, Lê Ngã từ nước láng giềng Ai Lao trở vể Việt Nam, thấy được tinh thần dân tộc tăng lên trong việc chống quân Minh. Ông quyết định chống quân Minh và tuyên bố mình là con cháu thuộc thế hệ thứ tư của vua cuối nhà Trần, Trần Duệ Tông (1372 - 1377).

Lê Ngã sắp xếp lấy cô công chúa nhà Trần, người sau đó đưa ông ta lên làm vua. Trong bốn tuần ông chiêu mộ được 10 nghìn quân chống quân Minh, rất nhiều quân khởi nghĩa khác đã đi theo ông.

Ông tuyên bố mình là vua, gọi là Thiên Tượng hoàng đế, là con trời thay trời thống trị thiên hạ, nên đặt hiệu là Vĩnh Thiên, tuyển chọn quan lại cho triều đình của ông và phát hành tiền tệ. Ông chống lại quân Minh ở thành Xương Giang, nhưng bị tướng nhà Minh Lý Bân với một đạo quân lớn phản công. Lê Ngã thất trận chạy trốn và không bao giờ nhìn thấy nữa.
Vĩnh Ninh thông bảo. Ảnh của Edward E. Toda.
Tuy nhiên khi nghiên cứu tiền tệ Việt Nam, Allan Barker lại tìm thấy trong nghiên cứu An Nam và hệ thống tiền tệ của Edward E.Toda (Annam And Its Minor Currency, Journal Of North China Branch Of The Royal Asiatic Society, Shanghai, 1882, Reprinted In The East Asia Journal, Issue 6, 1983 - II), một đồng tiền tên là Vĩnh Ninh thông bảo. Một đồng tiền chưa ai nhìn thấy trước đó, và cũng có niên đại 1420.
Theo nghiên cứu của Toda: Có cuộc khởi nghĩa của Lộc Bình Vương (tước hiệu), vốn là gia nô của một gia đình quý tộc Trần. Ông chống lại quân Minh năm 1420, và tuyên bố mình là chắt của vua Trần Duệ Tông (Lê Ngã thì xưng là cháu bốn đời). Trong một tháng thì chiêu mộ được 10.000 trai tráng (Lê Ngã thì chiêu mộ được 10.000 người trong bốn tuần). Ông xưng làm vua hiệu Vĩnh Ninh, cũng chống lại quân Minh rồi thất bại chạy mất tích. Nhưng theo Allan Berker trong Đại Việt Sử ký toàn thư không có tên quân khởi nghĩa nào là Lộc Bình Vương.

Như vậy về căn bản Allan Berker cho rằng Lê Ngã và Lộc Bình Vương chỉ là một người với các số liệu tiểu sử giống nhau, nhưng tại sao ông này lại phát hành những hai đồng tiền khác nhau Vĩnh Thiên thông bảo và Vĩnh Ninh thông bảo có lẽ là bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Phan Cẩm Thượng





0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites