Ebooks tham khảo sưu tập tiền

Nơi download sách điện tử tham khảo về sưu tập tiền các loại.

Thiên nhiên kỳ diệu trên tiền

Thiên nhiên luôn đem lại cho chúng ta những điều kỳ diệu. Hãy khám phá vẻ đẹp thế giới hoang dã trên bộ sưu tập tiền thế giới.

Giới thiệu đôi nét về tiền xu 2 Euro kỷ niệm của Đức

Từ năm 2006, mỗi năm sẽ có 1 đồng 2 euro mới với biểu tượng của 1 Bang Đức được phát hành, chủ đề trên tiền là kiến trúc các giáo đường,lâu đài nổi tiếng tại nước Đức.

Phong thủy các loại tiền

Bạn đã nghe về phong thủy của nhà ở, văn phòng làm việc... Nhưng bạn đã bao giờ nghe nói tiền cũng có phong thủy hay chưa?

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Cận cảnh sư tử cái giết cá sấu bảo vệ con

3 con sư tử cái đã cùng nhau tấn công một con cá sấu khi loài bò sát này định tấn công một con sư tử con.

Bản năng làm mẹ đã thôi thúc chúng cùng bao vây con cá sấu và tung ra những cú tấn công chết người để tiêu diệt kẻ thù. Cuộc đối đầu bất thường này diễn ra tại Botswana và vô tình được Tony Goldman, một bác sĩ tim mạch đang đi du lịch cùng cậu con trai ghi lại được.

Tony Goldman, 58 tuổi, cho biết: "Những con sư tử cái vừa giết chết một con trâu thì đột ngột con cá sấu đói liều lĩnh đột ngột từ dưới nước trườn lên định tấn công những con sư tử. Một con sư tử con xuất hiện ngay trên đường đua của nó. Con cá sấu nhìn con mồi đầy đe dọa trước rồi mới bắt đầu tấn công".

Trận chiến gay cấn diễn ra khoảng 15 phút trước sự chứng kiến của cha con bác sĩ Goldman và người lái xe. Cuối cùng, con cá sấu phải chịu thất bại trước những con sư tử cái.















Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Vũ điệu sinh tồn giữa rừng xanh (Vượn cáo Madagascar)

Con người khiêu vũ để tiêu khiển, còn loài vượn cáo Sifaka trên đảo Madagascar phải thực hiện những cú nhảy hàng ngày để sinh tồn.

Sáng nào những con vượn cáo Sifaka cũng nhảy qua các khoảng trống giữa những khu rừng trên đảo Madagascar để phòng ngừa động vật săn mồi.

Chúng giữ thăng bằng rất tốt sau mỗi cú nhảy.

Những cú nhảy của mẹ không ảnh hưởng tới hoạt động bú sữa của một vượn cáo con.

Con khỉ này thực hiện động tác như vũ công ballet.

Những con khỉ tỏ ra cảnh giác ngay cả khi ngồi nghỉ.

Tình trạng bất ổn chính trị trên đảo Madagascar khiến tính mạng của vượn cáo trở nên mong manh hơn do chính phủ không kiểm soát được nạn săn bắt động vật hoang dã.

Khi leo lê cây vượn cáo có thể tránh được động vật ăn thịt, song chúng vẫn có thể trở thành mục tiêu của những khẩu súng săn.

Vượn cáo Sifaka chỉ sống trên đảo Madagascar và không xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Chúng sống theo từng đàn, mỗi đàn gồm khoảng 40 con.
[Minh Long (Ảnh: Barcroft)-VNExpress]

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

Cá sấu sông Nile - Sát thủ phàm ăn



[Hình ảnh cá sấu sông Nile trên tiền xu Darfur]


Cá sấu sông Nile là loài cá sấu châu Phi lớn nhất và là động vật ăn thịt thượng hạng trong khu vực sinh sống của chúng, là khu vực bao gồm phần lớn miền nam sa mạc Sahara cũng như đảo Madagascar. Được biết đến như là động vật ăn thịt người, chúng vừa bị ghét vừa được sùng kính, đặc biệt là ở Ai Cập cổ đại khi mà các con cá sấu đã được ướp xác và tôn thờ như là thánh thần. Trong khi chúng chưa bị đe dọa tuyệt chủng thì quần thể tại nhiều quốc gia vẫn đang bị nguy hiểm do số lượng sụt giảm.
Cá sấu sông Nile được coi là một trong những kẻ rình mồi khét tiếng, đồng thời là loài cá sấu lớn nhất ở châu Phi.

Một con cá sấu sông Nile trưởng thành có thể dài tới 6m và nặng 730 kg. Kích thước trung bình vào khoảng 5m và nặng 225 kg. Một con cá sấu sông Nile không bao giờ từ chối một thứ gì có thể ăn được xuất hiện trước mắt chúng, từ cá, tới nhím, ngựa vằn, hà mã nhỏ, chim, những loài... cá sấu khác và cả con người. Theo ước tính, hằng năm có ít nhất 200 người sống tại các lưu vực sông Nile thiệt mạng do bị loài cá sấu này tấn công. Nó cũng sẵn sàng vét bùn tìm kiếm các xác động vật đã thối rữa và có thể ăn một lượng thức ăn bằng nửa trọng lượng cơ thể nó.

Nhưng một trong những đặc điểm khác thường ở loài cá sấu này đó là: cá sấu bố mẹ cùng nhau bảo vệ tổ cho tới khi con non nở và chúng thường lăn trứng vào miệng một cách nhẹ nhàng để giúp con non chui ra khỏi trứng.


Tên khoa hoc cá sấu sông Nile là Crocodylus niloticus sinh sống trong một khu vực rộng lớn và vì thế có nhiều khác biệt giữa các quần thể của loài này. Tuy nhiên, không có phân loài chính thức, mặc dù có ít nhất 7 phân loài đã được đưa ra. Đó là:

* C. n. africanus: Cá sấu sông Nile ở Đông Phi
* C. n. chamses: Cá sấu sông Nile ở Tây Phi
* C. n. corviei: Cá sấu sông Nile ở Nam Phi
* C. n. madagascariensis: Cá sấu sông Nile ở Malagasy.
* C. n. niloticus: cá sấu sông Nile ở Ethiopia
* C. n. pauciscutatus: cá sấu sông Nile ở Kenya.
* C. n. suchus: cá sấu sông Nile ở Trung Phi

(Tổng hợp Wikipedia)

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

Đại bàng khổng lồ Philippines



[Đại bàng khổng lồ trên tiền xu Philippines]

Với sải cánh lên tới 2 m, đại bàng khổng lồ Philippines còn được gọi là chúa tể của các loài chim. Chúng trở thành biểu tượng của nước này từ năm 1978.

Đại bàng Philippine (Pithecophaga jefferyi) còn được gọi là đại bàng khổng lồ Philippine hay đại bàng ăn khỉ. Những con cái có chiều cao trung bình 102 cm và nặng 7 kg, trong khi con đực cao trung bình 91 cm và nặng 5 kg. Ảnh: scienceblogs.com.

Đây có lẽ là một trong những loài chim cao, to và hiếm nhất trên thế giới. Tại Philippines người ta gọi chúng là banog. Nhiều nhà khoa học gọi chúng là chúa tể của các loài chim. Ảnh: eaglewatch.nl.

John Whitehead, một nhà tự nhiên học người Anh, phát hiện đại bàng Philippines lần đầu tiên vào năm 1896. Ảnh: tinypic.com.

Các nhà khoa học gọi chúng là đại bàng ăn khỉ sau khi phát hiện chúng chỉ bắt khỉ để ăn. Ảnh: fotki.com.

Nhưng các nghiên cứu sau đó cho thấy đại bàng Philippines còn ăn những loài động vật khác như cầy hương, rắn lớn, thằn lằn và thậm chí một số loài chim lớn. Ảnh: hermisfil.com.

Vì thế, vào năm 1978 giới khoa học đổi tên chúng thành "đại bàng Philippines". Ảnh: blogspot.com.

Chúng trở thành biểu tượng của Philippines từ năm 1978. Ảnh: mail.ru.

Chúng làm tổ trên cành cây cao và tổ thường cách mặt đất khoảng 30 m. Mỗi cặp đại bàng chỉ sinh một con trong năm. Ảnh: ljplus.ru.

Các nhà khoa học cho rằng hiện chỉ còn khoảng 500 con đại bàng Philippines trong tự nhiên. Sự tồn tại của chúng bị đe dọa bởi tình trạng phá rừng để lấy gỗ và sản xuất nông nghiệp. Ảnh: pbase.com.

(VNExpress.net)

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Chim đuôi seo - Quetzal

Chim đuôi seo (tên khoa học Pharamachrus mocinno) nằm trong số những loài chim đẹp nhất thế giới. Những chú chim có bộ lông sặc sỡ này sống ở vùng núi, rừng nhiệt đới Trung Mỹ. Thức ăn của chúng là trái cây, côn trùng, thằn lằn và những sinh vật nhỏ khác.


Trong suốt mùa giao phối, chim đực được tô điểm với hai chiếc lông đuôi dài đến 3 fit (1m). Chim cái không có đuôi dài, nhưng cũng giống chim đực, chúng khoác lên người bộ lông với những màu đỏ, xanh lá cây, xanh nước biển lộng lẫy. Nhưng màu lông của con đực có phần rực rỡ hơn.

Đôi chim đuôi seo thường dùng chiếc mỏ khỏe mạnh của mình để làm tổ trên những cái cây hoặc gốc cây mục ruỗng. Bên trong đó, chúng thay phiên nhau ấp 2 đến 3 quả trứng, con đực vì có đuôi dài nên đôi khi cái đuôi lộ ra khỏi tổ.

Chim non biết bay khi được ba tuần tuổi, nhưng những con chim đực chỉ mọc lông đuôi khi chúng được 3 năm.

Loài chim này còn được biết đến với cái tên chim đuôi seo Guatemala. Chúng cũng chính là biểu tượng của quốc gia này. Tiền tệ của Guatemala được gọi là “Quetzal” (tên tiếng Anh của chim đuôi seo).

Một chú chim đuôi seo đực rực rỡ (Ảnh: Steve Winter)
Thật không may, loài chim có một không hai này đang bị đe doạ không chỉ ở Guatemala mà ở tất cả những nơi chúng xuất hiện. Chúng thường bị bắt hoặc giết, mối nguy hại lớn nhất với chúng chính là sự biến mất của những khu rừng nhiệt đới – ngôi nhà của loài chim này. Ở một số khu vực, chủ yếu là rừng mây Costa Rica, những vùng đất được bảo tồn đã cho chúng một môi trường sống, tạo điều kiện cho khách du lịch sinh thái và những người có niềm đam mê với loài chim trên toàn thế giới tham quan.


Chiếc lông của chim đuôi seo (Ảnh: National Geographic)
Chim đuôi seo vốn được coi là thần thánh đối với người Maya và Aztec cổ đại, tầng lớp quý tộc và tăng lữ thường cài trên người lông của chim đuôi seo trong các buổi lễ lớn.


Tuệ Minh (Theo National Geographic)

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

Tiền xu euro Vatican được đưa vào lưu thông



WHĐ / CNS (26.07.2010) – Lần đầu tiên kể từ khi chấp nhận đồng euro vào năm 2002, Vatican đã bắt đầu đưa vào lưu thông một số loại tiền xu.

Tuy nhiên, du khách đến thăm Rôma khó lòng kiếm ra tiền xu mang hình Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, từ khi các viên chức quản thủ chỉ phân phối loại tiền này trong nội vi thành Vatican.

Hai triệu đồng tiền 50 xu đúc vào năm 2010 được đưa vào lưu thông sau khi đại diện của Vatican và Liên minh châu Âu đã ký một thỏa thuận tại Brussels vào tháng 12-2009. Hiệp định cho phép Vatican tăng hơn gấp đôi giá trị của loại tiền xu, và yêu cầu Vatican đưa vào lưu thông một khối lượng lớn.

Trong nhiều năm, phần lớn tiền xu euro Vatican được bán để làm bộ sưu tập, với giá 30 euro (38 đôla) một bộ. Một số nhân viên Vatican có cơ hội được mua với mệnh giá thực. Hàng năm, việc phát hành tiền xu Vatican được đánh dấu bằng cảnh những người sưu tập xếp hàng dài chờ đợi, và cảnh thất vọng khi được thông báo tiền đã hết, dù chỉ mới phát hành được vài hôm.

Theo các điều khoản thỏa thuận được ký kết năm ngoái, thay vì tổng trị giá tiền xu phát hành hàng năm bị giới hạn ở mức dưới 1.100.000 euro, Vatican sẽ được phép đúc tiền xu trị giá lên đến 2.300.000 euro, với hy vọng gần một nửa số tiền này được đưa vào lưu thông.

Vào giữa tháng bảy, các cửa hàng và doanh nghiệp tại thành phố Vatican (chẳng hạn trạm xăng, bưu điện, hiệu thuốc tây và cửa hàng tạp hóa), bắt đầu sử dụng đồng 50 xu trong giao dịch, với giới hạn chỉ hai đồng xu cho mỗi khách hàng. Báo chí cho biết chỉ có loại đồng 50 xu được đưa vào lưu thông.

Được biết, Vatican bắt đầu phát hành tiền xu euro (để làm sưu tập) vào năm 2002, vài tháng sau khi loại tiền này xuất hiện lần đầu ở Áo, Bỉ, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Italia,
Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Từ năm 2002, Hy Lạp, Slovenia, Malta, Cyprus và Slovakia cũng đã chuyển sang đồng euro.

Tiền xu euro có 8 loại mệnh giá: 1 cent, 2 cents, 5 cents, 10 cents, 20 cents, 50 cents, 1 euro và 2 euros.

Các nước sử dụng cùng một mẫu thiết kế cho một mặt của mỗi loại đồng xu euro, còn mặt kia thì tùy các quốc gia tự thiết kế. Đồng xu Vatican mang hình chân dung bán thân của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI.
Nguồn: WHĐ

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

Bí mật chiếc mỏ khổng lồ của chim Toucan



[Hình ảnh chim Toucan trên tiền xu Belize]


[Hình ảnh chim Toucan trên tiền giấy Surinam]

Bí mật chiếc mỏ to và cồng kềnh, màu lợt, hơi khum khum như con tôm nhô hẳn ra ngoài cơ thể của loài chim nổi tiếng sống ở vùng rừng nhiệt đới châu Mỹ Tucăng (Toucan) vừa được các nhà khoa học Canada giải đáp.


Những nghiên cứu trước đây của các nhà khoa học cho rằng:

- Mỏ của chim Tucăng trống lớn hơn chim mái và có lẽ nó dùng chiếc mỏ cồng kềnh ấy để quyến rũ bạn tình.

- Chim Tucăng sử dụng cặp mỏ ngoại khổ (bằng 1/3 chiều dài cơ thể) để bóc vỏ thức ăn khoái khẩu của nó là trái cây.

- Chim Tucăng dùng chiếc mỏ như là một vũ khí tự vệ trước kẻ thù.

- Cái mỏ lớn của chim Tucăng dùng để cảnh báo, thể hiện sức mạnh với các chim Tucăng khác.


Những nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Đại học Brock, tỉnh Ontario, Canada trên Toco toucan (Ramphastos toco) - loài Tucăng có mỏ lớn nhất trong gia đình chim Tucăng - vừa chứng minh những phán đoán trên đều không đúng, cái mỏ khổng lồ của chim Tucăng dùng để “làm mát” cơ thể. Thật ngạc nhiên!

Các nghiên cứu cho thấy trong cặp mỏ của chim Tucăng chứa đựng nhiều mạch máu, cho phép chúng điều chỉnh được lượng máu lên mỏ ở mọi thời điểm của môi trường xung quanh, do vậy các chuyên gia đã dùng camera hồng ngoại - có khả năng phát hiện sự biến đổi của thân nhiệt - để theo dõi nhiệt độ ở bề mặt của mỏ chim Tucăng.


Nhiệt độ đang ở mức 40oC tại vùng màu vàng cam và trắng ở loài Tucăng Ramphastos toco (ảnh phải) cho biết nó đang làm mát cơ thể bằng cách tăng lượng máu lên mỏ - Ảnh: Sciencenow

Khi thời tiết lạnh, chim Tucăng giảm lượng máu tới mỏ để duy trì nhiệt độ cơ thể và ngược lại nó sẽ làm mát cơ thể, hạ nhiệt nhanh bằng cách tăng lượng máu lên mỏ. Họ quả thật bất ngờ khi kết luận: "Mỏ chim Tucăng giống như một máy điều hòa nhiệt độ cơ thể”.


“Rốt cuộc voi dùng đôi tai to để quạt mát cơ thể. Ở loài thỏ cũng vậy. Vậy tại sao chúng ta không thử nghĩ ban đầu cái mỏ lớn của chim Tucăng có tác dụng tương tự như thế nhỉ!” - nhà sinh lý học tiến hóa Glenn J. Tattersall, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Brock, cho biết.

(www.baomoi.com)

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

Đáng yêu hải cẩu



[Hình ảnh Hải cẩu trên tiền xu Galapagos Island]


[Hình ảnh Hải cẩu trên tiền polymer Arctic Territories]
Trong các loài thú ở biển có lẽ dễ gần và dễ thương nhất là hải cẩu. Chúng có dáng vẻ linh hoạt mặc dù thân hình khá đồ sộ, tiếng kêu ăng ẳng, từ thoạt nhìn đầu tiên đã khiến người xem yêu mến. Hiện nay, nhiều nơi còn nuôi chúng, huấn luyện vì mục đích kinh tế như bắt cá, quân sự như thám thính hay giải trí như làm xiếc đóng phim và làm cảnh.


Loại thú này nằm trong bộ chân vây Pinnipedia, gồm ba họ: họ Otariidae với sáu loại và 12 loài có tai bao gồm cả hải cẩu lông thú và sư tử biển, họ Phocidae 13 loài, 18 loài không tai hoặc có lông tơ họ Odobenidae với loài moóc duy nhất có hai cái răng nanh to dài.

Hải cẩu lông thú sống nhiều ở Bắc Thái Bình Dương và là sinh vật có giá trị về bộ lông. Hải cẩu lông tơ lại chỉ sống ở xứ lạnh và có giá trị về thịt, da và mỡ dùng làm dầu đèn, dầu bôi trơn và xà phòng.

Có thể nói cơ thể hải cẩu lớn hơn nhiều loài thú ăn thịt khác trên mặt đất. Loài hải cẩu nhỏ nhất là hải cẩu đeo vòng, lúc trưởng thành dài tới 1,4m, nặng 90 kg. Loài lớn nhất là hải cẩu voi ở nam bán cầu, những con đực dài 6,5m, nặng 3.630 kg. Tùy vào đặc tính mà con đực có thể nhỏ hơn con cái, như hải cẩu sư, hải cẩu ăn cua, hải cẩu báo và hải cẩu Weddell, bằng con cái như phần lớn hải cẩu Phocidae hoặc lớn hơn con cái là hải cẩu Otariidae.

Mỡ của hải cẩu rất dày, chiếm hơn 45% trọng lượng và là một cái máy cân bằng nhiệt, năng lượng trong thời cho con bú sữa, đồng thời cũng là một cái phao dưới nước.

Tiếng kêu của hải cẩu rất hấp dẫn, từ lắng dịu như ở hải cẩu Weddell, chiêm chiếp như tiếng chim ở hải cẩu Ross đến gay gắt khó chịu và vang xa tới 1,6 km ở hải cẩu voi bán cầu bắc.


Nhiều loại hải cẩu như hải cẩu cảng gần như chỉ sống ở trên bờ song có loại như hải cẩu lông thú bắc bán cầu lại dành 6 đến 8 tháng ngoài biển. Những con hải cẩu bán cực sống ở rìa các tảng băng thường bám vào các tảng băng trôi để đi tìm kiếm thức ăn và tự vệ.

Nhìn chung, các loại hải cẩu đều dễ hòa hợp và thích ngao du. Hải cẩu lông thú vào mùa đông thường sống một mình song mùa hè lại tập trung tại các nơi sinh sản đông tới hơn một triệu con trong bán kính 80 km. Các con đực thường có tới 15 đến 40 con cái. Trong số hải cẩu lông tơ thì chỉ có hải cẩu voi là đa thê hơn cả, trung bình là 20 con cái/01con đực, kế đó là hải cẩu xám 10/1. Hải cẩu có thể sống tới 30 năm.

Về xuất xứ, hải cẩu lông thú có quan hệ gần với loài gấu nên còn được gọi là gấu biển. Chúng thuộc chủ yếu hai loại Callorhinus và Arctocephalus.

Ở Callorhinus, nổi bật là hải cẩu lông thú Bắc cực C.ursinus sinh nở vào hè thu ở các đảo Pribilof và Komandor ở biển Bering, đảo Robben ở biển Okhotsk Nga, đảo Kurile biển Nhật Bản và đảo San Miguel biển California Mỹ. Mùa đông và đầu xuân, chúng phân tán ra Bắc Thái Bình Dương, nam biển Bering, biển Nhật Bản và biển Okhotsk.

Các con đực già bao giờ cũng đến được các bãi đá đầu tiên vào mùa xuân, và có hàng trăm con cái theo đuổi. Con cái đẻ một con có mầu đen và nặng 5,4 kg, khi trưởng thành con đực nặng 225 kg, con cái nặng 40 kg. Con đực bao giờ cũng chết sớm hơn, hiếm khi tới 20 tuổi song cá biệt con cái lên tới hơn 25 năm. Chúng cũng hay di cư đến phía nam từ Pribilof và một số đảo tới nhiều nơi từ tháng 11 hoặc đầu xuân.

Ở Arctocephalus, nổi bật là hải cẩu lông thú Nam Phi A.pusillus là sinh vật sống ở bờ biển. Chúng tập trung cách đất liền 160 km từ Tây Nam Phi đến mũi Hảo Vọng.

Hải cẩu lông thú Nam Mỹ A.australis rải rác từ Brazil tới eo biển Magellan, và từ bắc đến nam Peru và quần đảo Galápagos và đảo Falkland. Sư tử biển là sinh vật nổi bật ở họ Otariidae, với năm loài, lông to và xù lên trông như một con sư tử.

Hải cẩu lông tơ thuộc họ Phocidae là sinh vật có lối sống thủy sinh đặc biệt nhất trong họ hàng hải cẩu. Chúng có cổ ngắn, có thể dướn lên và không có tai ngoài, chân sau dài phù hợp với bơi lội ngược với hải cẩu lông thú chỉ dùng chân trước để bơi và di chuyển trên đất theo hình lượn sóng. Đa số hải cẩu lông tơ đều di cư đến vùng vĩ độ cao, số còn lại ở vùng nước bán nhiệt đới hoặc ở hồ lớn và thường di chuyển đến vùng lạnh hơn để sinh sản.

Trong hải cẩu lông tơ, nổi bật là hải cẩu lông tơ bắc bán cầu như hải cẩu hạc Pagophilus groenlandicus hay Phoca groenlandicus là sinh vật biển sâu, sinh sản trên các tảng băng trôi ở Bắc Đại Tây Dương và vùng nước kế cận với biển Bắc cực. Cả năm gần như định cư song cũng có những chuyến đi dài, thường thấy ở biển Labrador tới biển Kara, biển Siberia.

Hải cẩu đeo vòng Pusa hispida hay Phoca hispida với sáu tiểu loại, nói chung sống ở bên rìa băng Bắc cực ở Bắc Băng Dương và đôi khi tới Bắc cực. Chúng xuất hiện ở các bãi băng dọc phía bắc Âu - Á, Greenland, Bắc Mỹ, trong các hồ nước đóng băng của tây Âu, vịnh Hudson, Labrador, biển Okhotsk, biển bắc Nhật Bản và nam biển Bering.

Đây là loài thấy nhiều nhất và phân bố rộng rãi nhất ở Nga vì nước này có đường bờ biển đóng băng dài, chúng cũng là loài quan trọng nhất trong họ hàng hải cẩu về mặt kinh tế đối với người dân bản địa viễn bắc.

Độc đáo không kém là hải cẩu lông tơ cảng Phoca vitulina với năm tiểu loại phân bố quanh bờ Bắc Băng Dương và chạy về phía nam Âu - á và Bắc Mỹ, điểm xa nhất phía bắc là đảo Ellesmere, điểm xa về phía nam là Bồ Đào Nha và bang Bắc Carolina Mỹ (Đại Tây Dương, phía bắc Hạ California Mỹ và Trung Quốc (Thái Bình Dương) và một số ở biển Baltic.

Hải cẩu lông tơ Nam cực có bốn loài rất độc đáo, đáng kể nhất là hải cẩu ăn cua Lobodon carcinophagus cũng là loài thấy nhiều nhất ở vùng Nam cực và cũng được gọi là hải cẩu ăn nhuyễn thể. Ba loại còn lại là hải cẩu voi Mirounga leonina dễ nhận với cái mõm dài, hải cẩu lông tơ Weddell Leptonychotes weddelli và hải cẩu báo Hydrurga leptonyx.

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites