Sau nửa thế kỷ nằm im lìm trong kho bảo quản cơ sở, chấp nhận số phận bị "thời gian phủ bụi", mãi đến dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (20-12-1959 * 20-12-2009), lần đầu tiên bộ sưu tập tiền kim loại cổ của Bảo tàng Hải Phòng được ra mắt công chúng qua trưng bày chuyên đề "Cổ vật Việt Nam qua các thời đại".
Theo PGS. TS Hoàng Văn Khoán (Đại học Quốc gia Hà Nội) - một chuyên gia kỳ cựu đã giúp Bảo tàng Hải Phòng giám định, phân loại sưu tập tiền kim loại cổ, thì trong kho bảo quản cơ sở Bảo tàng Hải Phòng - Bảo tàng khảo cứu địa phương ra đời sớm nhất ở nước ta, đang lưu giữ khoảng gần 1 tạ tiền cổ bằng kim loại các loại. Sau khi phân loại, thống kê, các nhà chuyên môn đã xác định được số tiền kim loại cổ có các loại như: tiền Việt Nam, tiền Trung Quốc, tiền Nhật Bản.
PGS. TS Hoàng Văn Khoán cho biết, trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu tiền cổ ở Hải Phòng, chính ông là người trực tiếp đọc số tiền trong hũ mà ông Vẻ ở thôn An Dụ, xã Khởi Nghĩa, phát hiện được khi đào ao. Nhờ thông qua các niên hiệu: An Pháp Nguyên Bảo, Thánh Nguyên Thông Bảo, Nguyên Phong Thông Bảo, Thiên Thánh Nguyên Bảo, Trị Bình Thông Bảo, Trị Bình Phong Bảo, Thường Nguyên Thông Bảo, Han Nguyên Thông Bảo, Thái Bình Thánh Bảo, Triệu Thánh Nguyên Bảo, Nguyên Hựu Tông Bảo của số tiền trong hũ này gồm các loại tiền mang niên hiệu Việt Nam, Trung Quốc nhiều đời cũng như một số tiền niên hiệu chưa rõ nguồn gốc, đã giúp các nhà khảo cổ học nghiên cứu, khai quật, đi đến xác định vùng đất An Dụ - Khởi Nghĩa là một trong những trung tâm thương cảng ở Hải Phòng hồi thế kỷ 17-18. Nghĩa là thời kỳ này người ta đã sử dụng các loại tiền nói trên để mua bán rộng rãi, trong đó đáng chú ý là lượng tiền mậu dịch của Nhật Bản với số lượng khá lớn.
Đánh giá về bộ sưu tập tiền kim loại cổ của Bảo tàng Hải Phòng, các chuyên gia cho rằng: có những đồng tiền rất hiếm thấy ở miền Bắc như tiền Thái Đức của Nguyễn Nhạc, tiền của Chúa Nguyễn Đàng Trong, tiền của nghĩa quân chống triều Minh (Ngô Tam Quế, Ngô Thế Phan)... Trong đó, đáng chú ý nhất là đồng tiền hiệu Nguyên Phong Thông Bảo của Trần Thái Tông, được đúc vào thời gian 1251-1258 mà PGS. TS Hoàng Văn Khoán vừa công bố.
Tuy chỉ một hiệu tiền Nguyên Phong Thông Bảo, nhưng các nhà sưu tập tìm thấy hàng trăm loại có kích thước, chất liệu, thư pháp, đặc điểm và các nét chi tiết khác nhau. Vậy chúng do ai đúc?
Niên hiệu Nguyên Phong thì chỉ gặp ở 3 vị vua: Hán Vũ Đế, từ năm 110 trước CN đến năm 105 trước CN; Tống Chân Tông (1078-1085) và Trần Thái Tông (1251-1258). Hẳn mọi người còn nhớ, thời Hán là giai đoạn sử dụng các loại tiền có giá trị theo trọng lượng như hệ thống tiền Bán lạng - Ngũ Thù... nên chắc thời Hán Vũ Đế không đúc tiền Nguyên Phong. Các nhà nghiên cứu tiền cổ trong và ngoài nước đều công nhận rằng cả hai vị vua Tống và Trần đều có đúc tiền Nguyên Phong, nhưng là loại tiền nào thì đến nay chưa thống nhất.
Ở Nhật Bản, vào niên hiệu Vạn Trị thứ 2 (1659) cũng có đúc nhiều loại tiền Nguyên Phong bằng đồng thau, song chúng có đặc điểm của tiền Nhật Bản đương thời như lỗ vuông rộng, vành đều đặn, vành của lỗ vuông ở mặt lưng thì bè rộng... Ngoài ra, các chữ Hán tự viết trên đồng tiền đều là kiểu chữ cua Nhật đã cải biến, như đầu của chữ "Phong" viết giản lược ít nét chữ không phức tạp đa nét như chữ Hán trên đồng tiền Trung Quốc và Việt Nam. Có không ít nhà sưu tập, nghiên cứu nhầm lẫn khi giám định là của nhà Trần.
Tất cả những đồng tiền Nguyên Phong Thông Bảo đều được đọc theo chiều kim đồng hồ. Về đồng tiền Nguyên Phong trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hải Phòng viết theo lối chữ triện và đươc giám định là của Trần Thái Tông.
Theo ý kiến của nhà nghiêu cứu tiền cổ Nguyễn Anh Huy, còn có một số loại tiền Nguyên Phong bằng kẽm, người cho là tiền Đại Tống, người xếp vào thời Trần, người khiêm tốn thì ghi là "vô khảo phẩm, bất tri niên đại phẩm...". Ông Nguyễn Anh Huy cho rằng: Đó là tiền kẽm do Chúa Nguyễn Phúc Khoát mua kẽm trắng của Hà Lan đúc từ năm 1746. Ngoài ra, trên thị trường cổ vật ngầm còn rất nhiều loại tiền Nguyên Phong khác viết theo thư pháp lạ, kỹ thuật đúc không cần thận, nên rất khó phân loại. Chúng tôi cho rằng đó là "tiền giả" do dân gian đúc vào thế kỷ 18, vào thời đại mà nền kinh tế hàng hoá phát triển - mở cửa ngoại nhập, vấn đề đúc tiền thời các chúa Trịnh - Nguyễn không được quản lý chặt chẽ, quy hoạch rõ ràng.
Những đồng tiền của Trần Thái Tông hầu như không còn mấy, thuộc loại "trân phẩm", ngoại trừ sách của các chuyên gia nổi tiếng; cũng như các nhà sưu tập khác và các bảo tàng tại Việt Nam đều không có. Nhân đây, xin đưa ra vài nét để phân biệt: tiền của Trần Thái Tông, đúc bằng đồng thau, đường kính 23mm, rất giống loại tiền viết theo lối chữ triện của nước Đại Tống; chữ "Nguyên" viết triện cũng như trong tiền thời Đại Tống nhưng ở đồng tiền Trung Quốc thì bộ "nhân" viết hai nét rời và đồng quy vào nét ngang ở trên; trong khi ở đồng tiền Đại Việt thì hai nét này liền vào nhau tạo như một nét và có đoạn ngang hoàn toàn tách rời song song với hai nét "nhất" ở trên...
Chắc chắn ràng khi chiêm ngưỡng đồng tiền Nguyên Phong của vua Trần Thái Tông, mỗi người chúng ta đều nhớ đến câu thơ: "Người lính già đầu bạc - Kể mãi chuyện Nguyên Phong".
Theo TRẦN PHƯƠNG / Báo điện tử an ninh Hải Phòng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét