Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Chiếu dời đô : Theo cách hiểu của tôi


Bác sĩ Nguyễn Anh Huy (bên trái) đang trình bày cho Giáo sư Phan Huy Lê
(Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) nghe về Lịch sử tiền tệ Việt Nam

Long thành thật xứng Cố đô,
Kim Âu chẳng mẻ cơ đồ dài lâu…

0. Sức hấp dẫn nhất của đồng tiền cổ, theo tôi, chính vì trên đó đã hiện diện quyền uy tối cao của những nền chính thể thời đế chế... Đó chính là niên hiệu, tên của những vị vua, được đúc nổi trên mặt của đồng tiền! Nên các nhà sưu khảo tiền cổ thường tìm hiểu thêm các sự kiện lịch sử, những huyền sử bao quanh ông vua đúc ra đồng tiền. Điều đó mới thú vị…

0.1. Và tôi còn nhớ cuối năm 1997, khi được mời làm “Khách của VTV3” giao lưu về việc “Bảo tồn Di sản Văn hóa Dân tộc”, Nhà báo Lại Văn Sâm hỏi tôi “-Vì sao bạn say mê tiền cổ?”, tôi trả lời rằng “-Nhìn vào đồng tiền của Lý Thái Tổ, tôi thấy Chiếu dời đô về Thăng Long; nhìn vào đồng tiền của triều Trần, tôi thấy 3 lần đánh bại giặc Nguyên…”. Đó chỉ là cách nói của một thanh niên học đòi “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, với tinh thần tự hào dân tộc…

0.2. Có người nhận xét rất đúng rằng tôi đã “đẩy trí tưởng tượng đi quá xa thực tế!”; bởi “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn, đã được các nhà sử học phân tích, chỉ là một tác phẩm văn chương cô đọng, đặc sắc, một bản tuyên ngôn địa - chính trị, địa - chiến lược… Nhưng riêng tôi, tôi xin trình bày một khía cạnh khác: Chiếu dời đô, dưới cái nhìn của địa - kinh tế tiền tệ.

*

1. Những đồng tiền Việt trước “Thăng Long”:

1.1. Sau khi nước Đại Việt(*) thành lập vào thế kỷ X, những đồng tiền đầu tiên của dân tộc Việt là “Đại Bình Hưng Bảo” và “Thiên Phúc Trấn Bảo”, ngoại trừ lưu hành trên đất Việt thời đó, thì theo ông XiongBaoKang - Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu tiền tệ và Bảo tàng tiền tệ Quảng Tây (Trung Quốc) - trong một chuyến ghé Huế tháng 7/2003 để nghiên cứu tiền cổ, cho biết hai loại tiền này được tìm thấy ở Hoa Nam (Trung Quốc) - là đất của người Việt cổ - rất nhiều!

-Tôi đã đưa ra giả thuyết hai chữ “Đại Bình” trên đồng tiền vua Đinh không phải là niên hiệu của vua, mà có ý nghĩa là đã “đại bình” (định) được Loạn 12 sứ quân, thống nhất dựng nước; và công lao “đại bình định” đó còn được thể hiện qua đế hiệu Đại Thắng Minh hoàng đế Đại Việt ngang hàng với thiên triều đại đế Trung Hoa (các vua đời sau đều thần phục Trung Quốc và không đặt đế hiệu). Ngẫm nghĩ chữ “Đại Thắng” trong đế hiệu, ta có cảm tưởng như có mối liên quan gì đó với ý nghĩa chữ “Đại Bình - Hưng” trên đồng tiền “Đại Bình Hưng Bảo”... Mà theo tôi, chữ “Hưng” trong “hưng bảo” nối tiếp hai chữ “Đại Bình” có nghĩa là “phục hưng”, “trung hưng” và “chấn hưng” dân tộc Việt vậy !; bởi dân tộc ta đã từng có một nền Văn minh Đông Sơn ở châu thổ sông Hồng thuần Việt và một cuộc “đại bình” của Hai Bà Trưng (40-43) thu phục được 65 thành trì của Thiên triều Đại Hán...

- Còn tiền “Thiên Phúc Trấn Bảo” là của Lê Đại Hành (980-988), Việt Nam. Hậu Tấn - Cao Tổ (936-942) thời Ngũ Đại (Trung Quốc) đã có đúc tiền Thiên Phúc, mặt lưng không có chữ, nên Lê Đại Hành đúc tiền mặt lưng lại có chữ “Lê” để phân biệt! Chữ “trấn” chưa có tiền lệ trên tiền Trung Quốc, mà xuất hiện trên tiền vua Lê Việt Nam như ngụ ý “đại bình” đã “hưng bảo” (cũng chưa có tiền lệ trên tiền Trung Quốc) thì ta được “Thiên Phúc” (phúc của trời ban) phải ra sức mà “trấn (giữ) bảo” vậy! Và quả thật, Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn đã từng giữ nước rất xuất sắc ! Đây là những TƯ TƯỞNG LỚN của những “Thái tổ (pioneer)” và “Thái tông (builder)” được biểu hiện trên đồng tiền !

1.2. Ý kiến trên của ông XiongBaoKang không phải không có căn cứ. Lê Quý Đôn, trong Vân Đài Loại Ngữ, đã trích từ sách Tống Hội Yếu cho biết như sau: “Quan bí thư thừa là Chu Chính Thần nói: Lúc trước làm thông phán ở Quảng Châu, thấy khách thương phiên trấn thường sang Giao Châu buôn bán đem thứ tiền chữ Lê và tiền sa lạp đến Quảng Châu, làm rối loạn phép tiền tệ của Trung Quốc. Đấy là thứ tiền mà nhà Tiền Lê nước ta đã đúc ra, bề mặt đồng tiền ấy có chữ Thiên Phúc Trấn Bảo, bề lưng có chữ Lê. Đồng tiền này nay vẫn còn, nhưng ít thấy”.



2. Tiền thời dời đô và lúc định đô Thăng Long:

Cứ theo dân gian mà nói, hoặc theo “phong thủy địa lý”, thì vị trí của Thăng Long “nhất cận thị, nhì cận giang”:

Nhị Hà quanh Bắc sang Đông,

Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này.

Tuy vậy, việc định đô tại Thăng Long không phải bắt đầu từ thời Lý, hoặc do Cao Biền, tướng của nước Đại Đường đặt An Nam đô hộ phủ ở thành Đại La (sau này Thái Tổ triều Lý đổi tên là Thăng Long), mà thật ra cả ngàn năm trước người Việt cổ đã chọn nơi đây làm đô hội chủ yếu, biểu hiện ở 3 cái trống đồng Đông Sơn Heger loại I là trống đồng Cổ Loa, trống đồng Ngọc Lũ và trống đồng Hoàng Hạ đều nằm ở châu thổ sông Hồng, tạo nên một nền Văn minh sông Hồng...

Và quá trình đô hội, nền kinh tế hàng hóa đã được dân gian quay lại như một đoạn phim:

Sông Tô nước chảy trong ngần,
Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa…

Thuyền buồm, thường là thuyền có trọng tải lớn, vận chuyển hàng hoá (tất nhiên phải kèm theo tiền tệ), chứ không phải là thuyền chài, đánh cá.

2.1. Ngay từ khi mới dời đô về Thăng Long, vua đã “xuống chiếu phát tiền kho 2 vạn quan thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức 8 sở...”, mà đến nay, đã tìm thấy tiền “順天大寶 (Thuận Thiên Đại Bảo)” mặt lưng có chữ “月(Nguyệt)”, chính là tiền của Lý Thái Tổ.

Chúng ta chưa hiểu rõ chữ “Nguyệt” ở lưng tiền có ý nghĩa gì, nhưng trong một cuộc trao đổi riêng, năm 2009, Giáo sư Ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn cho biết: “khoảng đời Trần “越 (Việt, nước Việt)” đã có khả năng bị thay bằng “月(Nguyệt)” trong chữ Nôm!”, và theo nghiên cứu mới đây, năm 2010, giáo sư còn cho biết thêm “chữ Nôm đã hiện diện vào thời kỳ quốc đô dời ra Thăng Long”, điều này càng làm tôi băn khoăn... Liệu có phải đây là một hình thức dùng quốc tự (chữ Nôm) tiếp tục khẳng định chủ quyền nước “Việt”, tương tự quốc tính trên những đồng tiền Đinh - Lê của Lý Thái Tổ ?! Nếu thật như vậy thì quả là độc sáng!, vì vua Lý không theo kiểu tiên triều để ghi họ mình (Lý) trên đồng tiền, mà lại ghi tên dân tộc / quốc gia “Việt” theo kiểu chữ Việt (Nôm) ! Đó cũng là sự tiếp nối của “(Đại bình) HƯNG BẢO” (một bên DỰNG NƯỚC) và “(Thiên Phúc) TRẤN BẢO” (một bên GIỮ NƯỚC), nhưng lại sáng tạo hơn nữa: TINH THẦN DÂN TỘC !

Các vị vua tiếp theo của triều Lý -Trần, tiếp tục đúc tiền, lại rộ lên một hiện tượng tiền tệ mà tại Trung Quốc thời đó và trước đó chưa hề có. Xem các loại tiền Thiệu Phong và tiền Đại Trị ta thấy kỹ thuật đúc chuẩn đẹp, đủ loại thư pháp trên đồng tiền, về mặt mỹ thuật hơn cả tiền Trung Quốc, nên là thứ quốc bảo. Và lại xem dấu vết Hoàng thành Thăng Long trong cuộc khai quật năm 2003, thật xứng là “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, hội tụ rất nhiều yếu tố, trong đó có cả tiền tệ, cho nên thứ quốc bảo này cũng là một đối tượng cướp bóc trong chiến tranh:

-Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép thời Trần Phế Đế, “Kỷ Mùi (1379), tháng 9, sai quân tải tiền đồng vào núi Thiên Kiện”, hoặc “Mùa Đông, tháng 10, chôn giấu tiền ở khám Khả Lăng thuộc Lạng Sơn, sợ nạn người Chiêm Thành đốt cung điện” rồi “Mùa Đông, tháng 10 (1390, đời Trần Thuận Tông) sai thợ đá ở An Hoạch đào động ở núi Thiên Kiện và động ở núi Khuẩn Mai để lấy tiền của đã chôn khi trước”.

- Hoặc ta thấy chính sách của nước Đại Minh: “Người Minh vào Đông Đô, bắt cướp... thu lấy tiền đồng ở các xứ cho chạy trạm đưa về Kim Lăng”, nên ngày nay tiền thời Lý - Trần được tìm thấy rất ít.

2.2. Phồn hoa thứ nhất Long thành,

Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.

2.2.1. Đó chính là kết quả tái thiết có quy hoạch một đất nước mà “Sau cuộc chiếm cứ của người Minh, sản vật trong nước trống rỗng, tiêu dùng của dân thiếu thốn...”.

-Ngay khi vừa giải phóng đất nước, Thái tổ Lê Lợi ban Chiếu tiền tệ (1429) và than thở: “-Tiền là huyết mạch của dân, không thể không có. Nước ta vốn là nơi sản nhiều đồng, nhưng tiền đồng cũ ... trăm phần chỉ còn một phần, đến nay việc quân việc nước thường bị thiếu dùng... Trẫm sớm khuya nghĩ ngợi...”.

-Xem lại những cơ sở vật chất, nguyên liệu để phục hồi lại hệ thống tiền tệ Việt Nam, phần Thổ sản trong Đại Nam Nhất Thống Chí, ta thấy các mỏ kim loại phục vụ cho việc đúc tiền tệ chủ yếu ở miền Bắc. Như Bắc Ninh thì có mỏ vàng, vàng lá, sắt, đồng đỏ; Thái Nguyên thì có nhiều mỏ vàng, bạc, thiếc trắng, kẽm đen, sắt; Sơn Tây thì có đồng, sắt, gang; Hưng Hóa thì có vàng, bạc, đồng, sắt, chì; Tuyên Quang có mỏ vàng, bạc, đồng, sắt, Cao Bằng và Lạng Sơn có mỏ vàng, sắt; còn ở Hải Dương thì có kẽm trắng… Cũng mục “thổ sản” còn cho biết thêm: “Đá mài tiền: sẵn ở núi Na Phù, huyện Bất Bạt, sắc đá hơi vàng, chất rám. Cục Thông Bảo dùng để mài tiền”.

Chính nhờ thế, các đồng tiền thời Lê sơ, từ Thuận Thiên Nguyên Bảo của Lê Thái Tổ cho đến tiền triều Mạc, đều rất chuẩn đẹp có khi hơn hẳn cả tiền Trung Quốc, đến nỗi Sử gia Phan Huy Chú phải khen: “-Tôi xét chế độ tiền tệ thời xưa chỉ có tiền Khai Nguyên Thông Bảo của nhà Đường rất là vừa phải... thực đáng nên bắt chước. Các thứ tiền cũ của nước Việt ta chỉ có tiền Hồng Đức, tiền Quang Thuận là gần phép ấy... Nay muốn cho việc đúc tiền được đúng mức, phải nên xa thì bắt chước tiền Khai Nguyên, gần thì bắt chước tiền Hồng Đức. Thế mới được mức nặng nhẹ vừa phải mà có thể tiện dụng cho dân”.

2.2.2. Rồi xem các đồng tiền Cảnh Hưng, ta có thể hiểu tên các trấn đúc tiền được ghi trên lưng đồng tiền như “Kinh (Thăng Long), Sơn Tây, Sơn Nam, Thái Nguyên, Bắc (Kinh Bắc - Bắc Ninh)…”.

-Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục ghi: “Quý Dậu (1753)... tháng 7... Bãi bỏ trường đúc tiền ở các trấn. Triều đình lấy cớ rằng các trấn đúc tiền phần nhiều quá lạm, lại mỏng manh, nên hạ lệnh bãi bỏ, duy trong Kinh Kỳ vẫn để lại hai trường đúc ở Nhật Chiêu và Cầu Giền giao cho viên đại thần trông coi việc này”. Thế nhưng sau đó lại ghi: “Nhâm Ngọ, năm thứ 23 (1762). Tháng giêng, mùa xuân. Đặt chức giám đốc trường đúc tiền. Bắt đầu đặt quan trông coi đôn đốc trường đúc tiền ở Nhật Chiêu, Cầu Giền và các trường đúc ở Tây Sơn, Thái Nguyên, bắt các trường đúc đều có ghi dấu khác nhau, để đề phòng việc đúc tiền quá lạm hoặc mỏng mảnh”.

-Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí không chép gì hai sự kiện trên, lại ghi khác: “Năm thứ 21 [1760], cho trấn Sơn Tây được mở trường đúc tiền... Xét: sau khi cho trấn Sơn Tây đúc tiền, từ đấy các trấn đều có trường đúc tiền...”.

2.3. Rủ nhau chơi khắp Long thành,

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai,

Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai…

Vào khoảng thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVII-XVIII, ở thời đại đại mậu dịch quốc tế, khi nền kinh tế hàng hoá Tây phương tràn qua Đông, những đồng tiền đồng nhỏ bé không thể đảm đương nổi vai trò phương tiện trao đổi hàng hoá, thì ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam bắt đầu sử dụng bạc nén, hoặc đồng bạc phương Tây, chẳng hạn xem Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn ta thấy:“Ở Trung Quốc tiêu bạc nhiều, tiêu tiền ít,... đàn bà trẻ con ở dân gian có mua bán vật nhỏ đều dùng bạc, thường cầm cân tiểu ly để cân từng phân hào, thuế khóa cũng thu bằng bạc không thu tiền”. Tất nhiên Trung Quốc là một thị trường rất lớn để rồi giao thoa với Đại Việt, cho nên xem nhật ký các thương gia châu Âu đến Đàng Ngoài, ta biết:

-“Voyage du Yacht Hollandais Grol du Japon au Tonkin” - 1637: “Người Bồ Đào Nha mang vào Đàng Ngoài 40.000 lạng bạc, trong có 30 thùng bạc thoi Nhật mà Hà Lan gọi là schuitzilver đưa cho chúa Trịnh để mua lụa”.

-Hoặc cũng Grol (1637) cho biết thêm: “ông ta (viên trấn thủ) bảo chúng tôi cho ông vay 5 két bạc để mua hộ cho chúng tôi tơ và quế”.

- Trong “Un voyage au Tonkin en 1688”, Dampier cho biết:“Công việc đổi bạc ở đây là một nghề quan trọng…”.

-Giáo sĩ Jérôme Richard đến Đàng Ngoài khoảng năm 1726, trong quyển “History of Tonquin” có kể: “Vàng bạc được dùng khi mua bán với số lượng lớn hay để dâng hiến cho vua hoặc các quan. Có một ít đồng tiền vàng hay bạc được mang đến từ Nhật Bản do người Trung Quốc, Anh, Hà Lan cũng được dùng trong việc ngoại thương”…

-Phan Huy Chú còn chép trong Lịch Triều Hiến Cương Loại Chí như sau: “Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 1 (1740), định phép tiền và bạc cùng thông dụng. Từ trung hưng trở đi, trong nước chuyên dùng tiền đồng, còn bạc nếu không đủ một dật thì không tiêu, nên giá bạc có hạ... Nay… cho tiền và bạc đều thông dụng cả… Ở chợ đặt người trưởng chợ xét bạc thật bạc giả để mua bán…”.



Vài điều dẫn trên cho thấy các loại tiền tệ bằng bạc được lưu hành tại Thăng Long, mà chủ yếu là các đồng bạc phương Tây, hoặc bạc nén hình móng ngựa của Trung Quốc, Nhật Bản mà các nhà sưu tập đã tìm thấy. Và do nhu cầu hối đoái, khoảng thế kỷ XVIII xuất hiện đường phố ở gần hồ Hoàn Kiếm có chức năng đổi từ bạc nén hoặc đồng bạc phương Tây sang tiền đồng để dân dễ sử dụng. Đó là Hàng Bạc, mà thời Pháp thuộc, trước 1945 vẫn còn có tên là “Rue des Changeurs (đường của những người đổi tiền)”. Và theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, sau này, khoảng sáu bảy chục năm nay, do không còn sử dụng tiền bằng bạc, phố Hàng Bạc chuyển sang chức năng làm hàng mỹ nghệ vàng bạc, nữ trang: “Hàng Đào ríu rít, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Ngang…”…



3. Vẫn mãi là trung tâm của tiền tệ:

Đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long đổi chữ Hán tên thành Thăng Long: “Ất Sửu, Gia Long năm thứ 4 (1805)... Tháng 8... Đổi thành 昇 龍 (Thăng Long: rồng bay lên) làm thành 昇 隆 (Thăng Long: ngày càng thịnh vượng)” cũng rất có ý nghĩa về mặt phát triển kinh tế đô thị, và càng cho thấy vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong việc sản xuất và điều phối tiền tệ cho cả nước, dù kinh đô Việt Nam thời ấy là ở Huế:

3.1. Khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802, ông đã cho mở cục đúc tiền ở Huế, có chức năng tạo mẫu, đúc ra tiền mẫu theo quy định của triều đình, còn nơi chính thức sản xuất tiền là cục Bảo tuyền Bắc thành: ở hồ Thuỷ Quân cũ mà ngày nay gần hồ Hoàn Kiếm vẫn còn địa danh là “phố Tràng Tiền”. Đây là cục đúc tiền lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ, và là nơi cung cấp tiền tệ cho cả nước sử dụng. Xem Đại Nam Thực Lục, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục… ta thấy ghi chép việc mở cục Bảo tuyền Bắc thành, dựng kho chứa tiền, đúc tiền và vận chuyển tiền vào Kinh rất chi tiết, xin dẫn vài sự kiện đầu thời Gia Long như sau :

-“Quý Hợi, năm Gia Long thứ 2 (1803)... Tháng 5... Hộ bộ Bắc Thành là Nguyễn Văn Khiêm vào chầu... Văn Khiêm lại nói sau việc binh cách dân gian thiếu tiền, xin đúc thêm để nhà nước đủ dùng...”.

-“Quý Hợi, năm Gia Long thứ 2 (1803)... Mùa đông, tháng 10,... Mở cục đúc tiền Bắc Thành, lấy Cai cơ Nguyễn Văn An làm Giám đốc, Lê Duy Đạt làm phó. Sai những người thợ đúc tiền đều mua sắm đồng riêng dựng lò để đúc, y theo kiểu mẫu đồng tiền mới đúc mà đúc”.

-“Ất Sửu, Gia Long năm thứ 4 (1805), mùa xuân, tháng giêng... Chở 100 vạn quan tiền kho Bắc Thành đến Nghệ An để chuyển nộp vào Kinh sư”.

…Chính thế, ta thấy trên lưng đồng tiền của vua Nguyễn không hề ghi địa danh nào của Kinh sư, mà lại ghi “Hà Nội, Sơn Tây”! Cũng như rất nhiều thỏi bạc 10 lượng thời Minh Mạng vẫn ghi nơi sản xuất là “Hà Nội”.

3.2. Và ngay cả khi kỹ thuật đúc tiền của triều Nguyễn tại Bảo hóa Kinh cục bị trục trặc, triều đình đã điều thợ đúc ở cục Bảo tuyền Bắc thành vào Huế để phục hồi kỹ thuật đúc tiền: “Giáp Thân, Kiến Phúc năm 1, tháng 10… định lệ tiền… Tháng 11, mở cục đúc tiền ở Nha Đốc công kho Vũ Khố. Trích sai tên thợ làm khuôn ở Hà Nội, một tên thợ đúc đem đủ các đồ dùng về kinh để dạy tập đúc tiền…”.

*

4. “Hà Nội là trái tim của cả nước”. Đó là nhận định của Le Grand de Liraye ngay từ thế kỷ XIX, lúc mà kinh đô của Việt Nam đã nằm ở Huế !

4.1. Nhiều năm trước, khi nghe ông XiongBaoKang nói về việc tìm thấy rất nhiều tiền Đinh - Lê ở Hoa Nam (Trung Quốc), nhưng ông lại luôn sưu tầm tiền Lý - Trần (nhất là thích mua đồng tiền của Lý Thái Tổ), tôi vẫn thường thắc mắc tại sao ở đó chỉ có tiền Việt trước Chiếu dời đô chứ hầu như không gặp các loại tiền sau Chiếu dời đô ??? Nay nhân chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (1010 - 2010), đọc lại Chiếu dời đô, thấy Thái tổ Lý Công Uẩn nói: “-Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chổ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời…”. Thì ra bây giờ mới hiểu, với cách nhìn của địa - kinh tế tiền tệ học, thì rõ ràng:

-Thời Đinh - Lê, đô đóng ở Hoa Lư vì là quê nhà của Đinh Tiên Hoàng, là căn cứ quân sự hiểm yếu, chật hẹp, núi non hiểm trở, mà theo Lý Thái Tổ nói là “muôn vật không hợp, trăm họ tổn hao”, nên thương gia Trung Quốc không thể đem hàng hóa đến buôn bán ở đây. Chính thế, ở Hoa Lư không sản xuất hàng hóa mà chủ yếu đúc tiền để đi mua hàng hoá ở Trung Quốc đem về sử dụng, và như vậy tiền Đinh - Lê tràn ngập Hoa Nam. Nhưng sau khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, “là chổ hội quan yếu của bốn phương”, lại có một thương cảng Vân Đồn nổi tiếng ở Quảng Ninh, cửa ngõ chính để vào Thăng Long, cho nên nền kinh tế hàng hóa đã phát triển ở Thăng Long, những đồng tiền triều Lý - triều Trần chỉ lưu hành “nơi thượng đô kinh sư” chứ hầu như rất ít lưu hành sang nước ngoài...

-Mà nguồn nguyên liệu để đúc tiền cho “chổ hội quan yếu” này chính là:

Đồng Tụ Long, thiếc Sông Ngâu,

Tiền rừng bạc bể kể đâu sánh bằng.

Thì đau đớn thay (!!!), do hiệp ước Giáp Tuất (1874) ký giữa Mãn Thanh - Pháp, mỏ đồng Tụ Long (thời Lê Quý Đôn cho đến cuối thế kỷ XVIII vẫn còn thuộc lãnh thổ Đại Việt) đã bị vào lãnh thổ Vân Nam cách biên giới Việt - Trung hiện nay trên 20 km rồi !!!

4.2. Riêng phát hiện việc giải thích ý nghĩa chữ “Nguyệt” trên lưng đồng tiền của Lý Thái Tổ, và việc sử dụng và hoàn chỉnh chữ Nôm, từ đó đặt ra một vấn đề cần giải mã lại quốc hiệu “Đại Cồ Việt” có phải là chữ Nôm không (?), cũng là chuyện rất cần! Bởi đã có người cho rằng tôi “cổ súy tinh thần dân tộc một cách cực đoan”, nhưng rõ ràng xưa nay chưa ai có thể giải thích được ý nghĩa xác đáng sự xuất hiện của chữ “cồ” trong quốc hiệu này, cũng như sự xuất hiện của chữ “nguyệt” trên đồng tiền !!!

4.3. Còn việc nghiên cứu những lô tiền trong cuộc khai quật Hoàng thành Thăng Long - theo thuyết trình của GS Phan Huy Lê ngày 16/5/2010 tại Huế, cho biết có đủ cả tiền thời Lý Trần Lê - chúng tôi thiển nghĩ, ngoại trừ sử dụng cách thức theo từng hồ sơ khảo cổ học, cũng rất cần tham khảo ý kiến những nhà sưu khảo giàu kinh nghiệm từng vọc tiền cổ trên tay thì việc giám định tiền cổ mới chính xác, và từ đó sẽ có các nhận định mới về lịch sử Việt Nam:

Cố đô rồi lại Tân đô,

Nghìn năm văn vật bây giờ là đây…
A Lưới, mùa Phật đản 2010.

NguyenAnhHuy * CHÚ THÍCH :

(*) Theo Đại Việt Sử ký toàn thư in năm 1697 chép quốc hiệu thời Đinh là “Đại Cồ Việt”, nhưng khảo cổ học đã tìm thấy những viên gạch thế kỷ X tại Hoa Lư ghi quốc hiệu là “Đại Việt quốc quân thành chuyên”. Chúng tôi lấy quốc hiệu thời Đinh là “Đại Việt” theo viên gạch, còn tại sao sử ghi là “Đại Cồ Việt” thì sẽ có một chuyên khảo khác sau.




(NguyenAnhHuy-www.khoahoc.net)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites