Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Tiền cổ trong chợ tự phát Hà Nội


Trước Tết Nguyên Đán vài ngày, tại khu vực các phố Hàng Lược và Hàng Mã của Hà Nội thường diễn ra một loại hình chợ đồ cổ tự phát, bầy bán ngay trên vỉa hè, thậm chí cả dưới lòng đường. Tại đây, dân sưu tập đồ cổ tứ phương lại có dịp chiêm ngưỡng, trao đổi, mua bán các loại đồ cổ từ chất liệu đồng, sắt, gốm, gỗ…thậm chí cả chất liệu kim loại quý như vàng, bạc, hay đá quý các loại, … trong đó, có rất nhiều loại tiền cổ được bầy bán công khai với giá cả cũng khá linh hoạt. Đây là một cách họp chợ khá đặc biệt vì nó chỉ diễn ra vài ngày trước Tết Nguyên đán và cũng chỉ diễn ra một lần trong năm. Vậy những ai là khách lai vãng nơi chốn này? Đương nhiên, phần lớn là dân sưu tầm đồ cổ. Mặt hàng tiền cổ tuy không có một “nhà bán” chuyên biệt như các loại đồ cổ khác nhưng khách hàng lại khá phong phú.


Thông thường đây là chợ mua bán đồ cổ phục vụ người sưu tầm khu vực Hà Nội và các vùng lân cận, nhưng qua mỗi năm, số người quan tâm có khuynh hướng mở rộng hơn cùng với nhiều chủng loại hiện vật rất phong phú. Bài viết này chỉ đề cập mặt hàng được xem là “tiền cổ” và các khách hàng của nó. Trước hết phải kể đến “dân chơi tiền cổ” không chỉ của địa bàn Hà Nội mà còn thấy khá nhiều dân chơi của sứ Huế, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành lân cận. Họ đến đây không những để mua mà còn bán và trao đổi nhiều đồng tiền quý hiếm khác. Họ là người rất am hiểu nhu cầu và cách thức chơi tiền của mỗi vùng, miền để không bỏ lỡ cơ hội giao thương vào phiên chợ đặc biệt này. Người ở Thành phố Hồ Chí Minh thường đem đến đây các loại tiền giấy, tiền kim loại (đồng bạc “hoa xòe”) của thời thuộc Pháp (1945-1954) và tiền của chế độ Việt Nam Cộng hòa (trước năm 1975). Dân Huế thường có rất nhiều tiền kim loại thời phong kiến, chủ yếu thuộc những thập niên trước và sau năm 1940, đặc biệt, có cả những thoi bạc từ thời Vua Gia Long (1802), Minh Mạng (1820)… Dân xứ Bắc lại có các loạt tiền thời kỳ đầu của chế độ phong kiến Việt Nam (các thập kỷ sau năm 970), đặc biệt là các “hũ tiền nguyên khối”, một cách chơi rất mới mà dân sưu tầm các tỉnh phía Nam thường săn lùng.Bên cạnh đó còn rất nhiều loại hình tiền giấy của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời kỳ đầu (1945). Người ít hiểu biết về tiền cổ hơn thì hay tìm mua các đồng tiền “hoa xòe” (ám chỉ loại tiền bằng bạc tinh khiết) dùng đánh gió, trị cảm mạo rất hiệu quả. Những đồng tiền này được mua bằng mọi giá nếu có “niêm” (một hình thức đảm bảo cho đồng tiền là thật, không bị làm giả). Những đồng tiền quý, hiếm còn có lai lịch, địa chỉ gốc và qua tay những ai, ở đâu… rất rõ ràng. Nếu ở một số cửa hàng buôn bán đồ cổ tại Hà Nội bạn ít có cơ hội chiêm ngưỡng và giao dịch hơn vì lý do an toàn, hoặc tế nhị nào đó, thì ở đây, nếu là người am tường về tiền cổ, chắc chắn bạn rất dễ được nhìn thấy, lựa chọn và mua bán với giá cả hợp lý nhất.

Đôi khi tại khu chợ này, bạn còn thấy một số nhà nghiên cứu tiền cổ, đồ cổ. Đối với họ, cơ may để thấy các “báu vật” là rất lớn đối với người nghiên cứu khoa học. Để nói về cơ hội quý giá này họ thường kháo nhau… ở chợ này bạn sẽ thấy được những thứ mà ngay cả các Bảo tàng thuộc Nhà nước quản lý khó mà có được. Việc xây dựng sưu tập, tìm hiểu một số đồng tiền quý hiếm để so sánh, kiểm chứng, tìm đồng tiền thật giả, hoặc những đồng tiền thuộc loại hiếm nhất đôi khi lại diễn ra ngay ở đây. Ngoài danh tính những đồng tiền gần như đã được định hình trong giới sưu tầm, bạn có thể tìm thấy các loại tem phiếu Trường Sơn (dùng mua bán, đổi chác hạn hẹp trên đường chuyển quân Bắc- Nam thời chống Mỹ trước năm 1975), “tem phiếu thời bao cấp” (thời chiến tranh chống phá hoại của không lực Mỹ ở miền Bắc những năm 1960-1970)…Tóm lại, chỉ ở đây người ta mới thấy được “của độc” trong những cách thức sư tầm độc đáo nhất của hệ thống sưu tập tiền Việt Nam. Những khái niệm rất mới về sưu tập Tem phiếu, Giấy tờ bảo chứng có giá, Séc chuyển khoản, thậm chí cả khuôn in, bản kẽm, bản phác thảo mẫu tiền, các chi tiết máy in tiền… cũng có.

Chợ đồ cổ tự phát Hà Nội là một cách thức tiếp cận, mua bán mẫu vật rất mới và đang có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Văn hóa cộng đồng, lớn hơn là cả một dân tộc được tái hiện và hội tụ ngay trong mỗi hiện vật ngẫu nhiên được tìm thấy. Có thể những hiện vật cũ kỹ không cần thiết với người này, nhưng lại có ý nghĩa hết sức quan trọng với người đang cần chúng, thì ở đây cơ may tìm thấy thường là rất lớn. Chính điều này, gợi cho các nhà quản lý nên chăng, có một địa chỉ giao dịch mua bán chính thức, để vừa tạo nguồn dịch vụ, thuế.. vừa dễ quản lý nguồn văn hóa cổ vật rất cần cho việc xây dựng hệ thống các Bảo tàng Việt Nam, trong đó có Bảo tàng Tiền.
MT (NganHangNhaNuoc)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites