Phú Yên là vùng đất nhiều tiền cổ kim loại, nhưng để có được bộ sưu tập cá nhân tiền cổ đầy đủ cả hai loại tiền giấy và tiền đồng kim loại như chị Trần Thùy Nhiên (ảnh) là điều chưa ai làm được. Bộ tiền cổ của chị khá độc đáo, được phân loại công phu và trưng bày rất đẹp mắt ngay tại ngôi nhà của chị ở P.3 (TP. Tuy Hòa), vốn đang là điểm tham quan hấp dẫn du khách.
Bộ sưu tập của chị có hầu hết các hiệu tiền của các triều đại phong kiến Việt Nam và hiện đại được bài trí theo sáu chủ đề thú vị, trải dài theo quá trình lịch sử và các thời kỳ ở Việt Nam.
Bộ sưu tập được trưng bày theo hệ thống, nguyên tắc bảo tàng. Khi bước vào phòng trưng bày nhìn bên trái, khách sẽ bắt gặp bản đồ Phú Yên được ghép bằng 92 đồng tiền kim loại của Trung Quốc (TQ) và Việt Nam, bắt đầu từ hiệu tiền “Khai nguyên thông bảo” đời nhà Đường năm 621 (TQ) theo dòng lịch sử đến hiệu tiền Bảo Đại thông bảo của triều Nguyễn 1945 (Việt Nam); ranh giới giữa các huyện, thị xã, thành phố và biển Đông được chủ nhân bộ sưu tập ghép bằng những vỏ ốc khai thác ở biển Phú Yên. Sau đó, đi từ trái qua phải sẽ lần lượt có các bộ sưu tập tiền theo từng thời kỳ phát triển như: chủ đề tiền TQ với hơn 50 hiệu tiền từ Khai nguyên thông bảo (thời nhà Đường), Hồng Vũ thông bảo (nhà Minh) và Thánh Tông thông bảo, Khang Hy thông bảo (thời nhà Thanh)… Sau đó là chủ đề tiền cổ Việt Nam đồng từ thời Lý đến thời nhà Lê Trung Hưng với nhiều loại như: Càn Phù nguyên bảo (thời Lý Thái Tông, năm 1039-1041), Minh Đạo nguyên bảo; Trị Bình thông bảo; triều Trần có Nguyên Phong thông bảo… rồi tiền nhà Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, thời Tây Sơn, các vua triều Nguyễn… với các hiệu tiền: Minh Đức thông bảo, An Pháp nguyên bảo; Thái Bình thông bảo, Thái Đức thông bảo, Quang Trung thông bảo…
Bên cạnh đó, bộ sưu tập của chị Nhiên còn có những tờ tiền giấy như tiền tệ Việt Nam thời Pháp thuộc và từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay.
Chị Nhiên đến với việc sưu tập tiền cổ cũng rất tình cờ. Chị kể: làm bảo tàng được hơn 10 năm, trong những năm 1996, 1997, khi cùng cán bộ bảo tàng Phú Yên đi cơ sở, chị phát hiện trong dân có rất nhiều tiền cổ kim loại. Sau đó, được người dân ở huyện Tuy An cho một bụm tiền, chị đem về nhà cất. Rồi tự tìm hiểu, nhờ người am hiểu đọc chữ trên tiền, tìm tài liệu lịch sử về các thời kỳ liên quan đến các đồng tiền, thấy hay hay vì muốn biết vì sao đồng tiền thời này lại thay thế đồng tiền thời kia, rồi những hình họa, hoa văn lạ trên những đồng tiền đó đã khiến chị thích thú và từ đó cất công sưu tập tiền cổ. Tất cả tiền mua được, chị đều nhờ chuyên gia đọc chữ dùm rồi sau đó đánh số và bắt đầu khâu bảo quản. Đến đầu năm 2010, khi đã về hưu, chị bắt đầu thực hiện ý định làm phòng trưng bày ngay tại nhà.
Tâm Như
(http://www.phunuonline.com.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét