Ebooks tham khảo sưu tập tiền

Nơi download sách điện tử tham khảo về sưu tập tiền các loại.

Thiên nhiên kỳ diệu trên tiền

Thiên nhiên luôn đem lại cho chúng ta những điều kỳ diệu. Hãy khám phá vẻ đẹp thế giới hoang dã trên bộ sưu tập tiền thế giới.

Giới thiệu đôi nét về tiền xu 2 Euro kỷ niệm của Đức

Từ năm 2006, mỗi năm sẽ có 1 đồng 2 euro mới với biểu tượng của 1 Bang Đức được phát hành, chủ đề trên tiền là kiến trúc các giáo đường,lâu đài nổi tiếng tại nước Đức.

Phong thủy các loại tiền

Bạn đã nghe về phong thủy của nhà ở, văn phòng làm việc... Nhưng bạn đã bao giờ nghe nói tiền cũng có phong thủy hay chưa?

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Tiền đẹp tháng 02/2012



[Xu bạc proof chim ưng vàng (Aquila chrysaetos)- Bắc Triều Tiên]



[Rùa xanh (Chelonia Mydas)- trên tiền giấy đảo quốc Aruba]

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Âu tiền cổ kỳ lạ nhất VN

Âu tiền cổ được hình thành từ cả trăm đồng tiền thời Bắc Tống - Trung Quốc gắn chặt với nhau,độc đáo, có một không hai.
Tại ngôi nhà cổ số 80 đường Nguyễn Thái Học - thành phố Hội An (Quảng Nam) đang trưng bày những âu tiền và bình tiền cổ thu hút sự chú ý của du khách cũng như những người yêu thích cổ vật.

Âu tiền cổ tại nhà cổ 80 Nguyễn Thái Học - Hội An.

Ông Diệp Gia Tùng - chủ nhân của cổ vật có một không hai này, cho biết: “Đó là những âu tiền cổ gắn chặt thành những khối cầu lớn và cả trăm đồng tiền thời Bắc Tống - Trung Quốc (thế kỷ thứ 9) nằm trong một chiếc bình được đào lên từ lòng đất, bị kết dính tạo dáng một chiếc bình đậm sắc vàng”.

Hiện chiếc bình được đặt trang trọng trên chiếc ghế cổ đã có mấy trăm năm tuổi được gia đình ông Diệp Gia Tùng mua ở Thượng Hải - Trung Quốc.

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Nhật đúc tiền xu tưởng niệm sóng thần

Những người mua công trái tái thiết sau sóng thần sẽ được chính phủ Nhật Bản tặng làm kỷ niệm các đồng xu có mệnh giá lớn bằng vàng và bạc.
Hai đồng xu mới đúc này có mệnh giá 1.000 và 10.000 yên. Trên mặt của hai đồng xu có hình nổi của cây thông duy nhất còn sống sót sau cơn sóng thần 11/3/2011 tại vùng Rikuzentakata, tỉnh Iwate và những chú chim bồ câu. Cây thông được người dân Nhật Bản xem là “cây thần” và hiện là biểu tượng cho công cuộc tái thiết đất nước.

Một mặt của đồng xu được khắc dòng chữ ‘Gambaro Nippon” (Nhật Bản! Hãy tiến lên). Mặt còn lại của đồng xu bạc 1.000 yên là hình ảnh một chiếc tàu đánh cá lớn và một bông lúa, trong khi mặt kia của đồng xu vàng 10.000 yên là bản đồ những đặc khu kinh tế do chính phủ vạch ra ở vùng xảy ra thảm họa và hình ảnh chim bồ câu.

Hiện ở Nhật Bản, đồng xu có mệnh giá lớn nhất là 500 yên. Ảnh: Japanitup
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố đúc tiền hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Nhật Jun Azumi nói: “Tôi hy vọng việc phát hành hai loại đồng xu kỷ niệm này sẽ góp phần tăng tốc độ tái thiết và phục hồi nền kinh tế Nhật Bản sau thảm họa”.

Bộ trưởng cho biết loại đồng xu mới sẽ được trao cho những cá nhân và tổ chức mua “trái phiếu tái thiết” của nhà nước. Một số đồng sẽ được bán ra ngoài công chúng. Chính phủ Nhật Bản sẽ phát hành hai loại tiền xu mới này 4 lần.

Tờ Mainichi cho hay, người nào mua công trái trị giá 10 triệu yên (130 nghìn USD) tính đến tháng 4/2015 sẽ được tặng một đồng xu vàng, 1 triệu yên được tặng đồng xu bạc.

Công trái tái thiết sẽ được bán tại các tổ chức tài chính trên khắp nước Nhật kể từ ngày 5 đến 30/3 tới. Thời hạn của công trái bắt đầu từ tháng 4 và dài 10 năm. Trong ba năm đầu, lãi suất trái phiếu là 0,05%. Từ năm thứ tư, lãi suất này sẽ được thả nổi và thay đổi 6 tháng một lần.

Phan Tâm(www.vnexpress.net)

Đồng franc Pháp 'chết' sau 6 thế kỷ

Hôm 17/2 là ngày cuối cùng đồng franc được lưu thông sau 6 thế kỷ tồn tại. Đồng tiền thay thế là euro.
Thực tế, đồng franc của Pháp đã bị ngừng lưu thông từ năm 2002 sau khi đồng euro trở thành đồng tiền chính thức ở nước này năm 1999. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Pháp (Banque de France) tiếp tục cho hoán đổi franc lấy euro thêm 10 năm nữa.

Đồng franc chính thức bị xóa sổ trên nước Pháp từ 17/2.
Đã hết thời hạn 10 năm, nhưng nhiều người vẫn do dự từ bỏ loại tiền này. Đến cuối năm 2011, ngân hàng trung ương Pháp ước tính có khoảng 50 triệu franc tương đương 600 triệu euro vẫn được lưu thông.

Pháp là nước thứ 2 trong khu vực đồng euro (eurozone) ngừng lưu thông nội tệ cũ sau khi Italia ngừng sử dụng đồng lire tháng 12 vừa qua.

Phần Lan cũng dự kiến từ bỏ nội tệ vào cuối tháng này, trong khi Hà Lan tiếp tục sử dụng đồng florin đến năm 2032. Hy Lạp sẽ ngừng lưu thông đồng drachma từ tháng 3 tới nếu tiếp tục ở lại eurozone và sử dụng đồng tiền chung.

(Theo DVT)

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Hồng hoàng tê giác (Rhinoceros hornbill)



[Chim Hồng hoàng tê giác trên tiền giấy Indonesia]



[Chim Hồng hoàng tê giác trên tiền giấy Malaysia]

Hồng hoàng tê giác (Rhinoceros hornbill - tên khoa học: Buceros bicornis) là thành viên to lớn nhất trong họ Hồng hoàng (Bucerotidae). Hồng hoàng sinh sống trong các khu rừng của Ấn Độ, Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc. Kích thước to lớn và màu sắc đầy ấn tượng của chúng đã góp phần làm cho chúng trở thành một phần trong văn hóa và nghi lễ của một số các bộ lạc địa phương. Hồng hoàng sống khá thọ với tuổi thọ đạt tới 50 năm trong điều kiện nuôi nhốt.


Hồng hoàng là loài chim lớn, có thể dài tới 95-120 cm (38-47 inch), với sải cánh dài tới 152 cm (60 inch) và cân nặng 2,15-4 kg (4,7-8,8 lb). Đặc trưng nổi bật nhất của hồng hoàng là phần mũ mỏ màu vàng tươi và đen trên đỉnh chiếc mỏ lớn của nó. Mũ mỏ rỗng và chưa rõ mục đích để làm gì mặc dù người ta tin rằng nó là kết quả của chọn lọc giới tính Hồng hoàng mái nhỏ hơn và có mắt màu xanh lam thay vì mắt đỏ. Hồng hoàng trống rỉa lông để bôi chất nhờn màu vàng vào lông cánh sơ cấp cũng như mỏ để làm cho chúng có màu vàng tươi

Hồng hoàng mái làm tổ trong lỗ rỗng trên thân các cây lớn và miệng tổ được bịt bằng một lớp trát bằng phân. Nó tự giam mình trong tổ cho tới khi chim non phát triển tương đối, dựa trên thức ăn cho chim trống đem về thông qua khe nứt trong lớp trát. Trong thời kỳ này chim mái trải qua thời kỳ rụng lông hoàn toàn. Mỗi lứa đẻ gồm 1 tới 2 trứng và được ấp trong 38-40 ngày. Do việc mất trường sống đang diễn ra cũng như bị săn bắn ở một số nơi nên Hồng hoàng được đánh giá là gần (cận) nguy cấp trong sách đỏ của IUCN về các loài nguy cấp. Nó được liệt kê trong Phụ lục I của CITES.(wikipedia)

Những tờ bạc khó làm giả nhất thế giới

Tiền giả luôn là vấn đề nhức nhối của các quốc gia trên thế giới. Vì thế, các chuyên gia chống bạc giả phải liên tục tìm ra những cách bảo mật mới để hạn chế việc làm giả đồng tiền.
Mực in đổi màu, chất liệu polymer đặc biệt, hay hình ảnh ba chiều chỉ là một vài trong số những công nghệ mới được sử dụng cho tiền giấy hiện nay.

Trang CNBC điểm qua những tờ bạc được tổ chức chống tiền giả International Association of Currency Affairs đánh giá là nằm trong số những đồng tiền khó làm giả nhất thế giới hiện nay:

Đồng 10.000 Tenge của Kazakhstan

Kazakhstan là một trong những nước cuối cùng của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) có đồng tiền quốc gia riêng. Vào năm 1995, một nhà máy in đồng Teng đã được mở ở nước này. Trước đó, những đồng bạc giấy Tenge đầu tiên được in ở Anh, còn đồng xu được đúc ở Đức.

Đồng 10.000 Tenge là đồng bạc đầu tiên trên thế giới có sợi đai an ninh có thể được nhìn thấy trên cả hai mặt. Sợi đai an ninh này có những dấu ấn đặc biệt và rất sắc nét, giúp cho những đặc điểm an ninh khác trên đó trở nên nổi bật hơn.

Đồng 50 Peso của Mexico

Đồng Peso Mexico và USD hiện đại có cùng “gốc gác” là đồng Đôla của Tây Ban Nha vào thế kỷ 15. Hiện cả hai đồng tiền này vẫn cùng mang ký hiệu $. Đồng Peso là đồng tiền được giao dịch phổ biến thứ 12 trên thế giới, thứ 3 ở châu Mỹ và nhiều nhất ở Mỹ Latin.

Đồng 50 Peso của Mexico được sản xuất từ nhựa polymer được ép thành lớp, có khả năng đổi màu khi nhìn từ các gốc độ khác nhau. Cửa sổ trên đồng tiền này cũng rất sắc nét, khiến khả năng bị làm giả càng giảm.

Đồng 1.000 Kronor của Thụy Điển

Đồng Kronor là đồng tiền chính thức của Thụy Điển từ năm 1873. Trong tiếng Thụy Điển, từ “kronor” có nghĩa là “vương miện”.

Đồng 1.000 Kronor Thụy Điển là đồng bạc đầu tiên sử dụng công nghệ dải vi thấu kính, tương tự như trên đồng bạc 100 USD mới của Mỹ. Đồng tiền này còn được in những hình chìm độc đáo khiến việc làm giả có vẻ như là không thể.

Đồng 10 Đôla Hồng Kông

Đôla Hồng Kông là loại tiền tệ được giao dịch phổ biến thứ 8 trên thế giới. Tỷ giá đồng tiền này được neo buộc vào đồng USD của Mỹ.

Công nghệ in mực nổi đem đến cho đồng 10 Đôla Hồng Kông một diện mạo đặc biệt. Hình ảnh con ngựa in trên cả hai mặt của tờ bạc nổi rõ đến hoàn hảo.

Đồng 10 Rupee của Nepal

Từ năm 1945-2007, tiền giấy của Nepal được in chân dung của 4 vị vua khác nhau. Nhưng bắt đầu từ tháng 10/2007, chân dung nhà vua được thay thế bằng đỉnh Everest trên tất cả các đồng tiền của nước này được phát hành mới.

Đồng 10 Rupee của Nepal có một cửa sổ polymer sắc nét, rất khó hoặc không thể làm giả bằng những vật liệu thông thường. Trên đồng bạc còn có những sợi chỉ kim loại mỏng manh gần như hòa quyện vào với mặt giấy.

Đồng 1.000 Dinar của Iraq

Vào năm 2003, Iraq phát hành đồng Dinar mới với 6 mệnh giá 50, 250, 1.000, 5.000, 10.000, và 25.000 Dinar. Các đồng bạc này có bề ngoài tương tự như các đồng tiền mà Ngân hàng Trung ương Iraq phát hành vào thập niên 1970 và 1980, nhưng mang những đặc điểm an ninh hiện đại hơn. Vào tháng 10/2004, Iraq phát hành thêm đồng 500 Dinar.

Công nghệ in nổi tạo cho cho đồng 1.000 Dinar của Iraq hoa văn đặc biệt. Ngoài ra, một loại mực in đặc biệt, chỉ được nhìn thấy dưới ánh sáng cực tím, cũng được dùng cho đồng bạc này.

Đồng 20 Bảng của Anh

Đồng Bảng Anh là đồng tiền được giao dịch phổ biến thứ 4 trên thế giới, sau đồng USD, Euro và Yên Nhật. Đồng Bảng cũng nằm trong rổ tiền tệ lập nên quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với tỷ lệ 11,3% tính đến năm 2011. Ngoài ra, đồng Bảng còn là đồng tiền dự trữ lớn thứ ba trên thế giới.

Đồng 20 Bảng mới nhất của nước Anh mang một dải hình ảnh ba chiều nổi bật. Các hình ảnh trên dải này thay đổi giữa biểu tượng của đồng Bảng và con số 20 khi nhìn ở các góc độ khác nhau.

Phương Anh(Dantri.com.vn)

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Phát hiện kho báu tiền vàng 1 triệu USD trên trần nhà

Cơn “mưa tiền vàng” gần 1 triệu USD đã trút xuống đầu các công nhân khi họ chọc trần tòa văn phòng của một hãng sản xuất sâm-panh Pháp.
Nhóm công nhân xây dựng sửa chữa ngôi nhà trong vườn nho ở làng Les Riceys, vùng sản xuất sâm-panh nổi tiếng của Pháp, đã vô cùng kinh ngạc khi “cơn mưa” đồng xu vàng của Mỹ trút xuống họ từ trên trần nhà.

Kho báu gồm 497 đồng xu vàng của Mỹ, mỗi đồng có mệnh giá 20 USD. Những đồng xu này được đúc từ năm 1851-1928 và nặng tương đương 17kg vàng.

“Một trong những công nhân đã dùng xà beng chọc vào trần nhà và kho báu đồng xu vàng bung ra”, Francois Lange, người đứng đầu hãng sâm phanh Alexandre Bonnet ở Les Riceys France cho biết.

Việc giới săn kho báu tìm thấy vàng và các kim loại quý khác dưới đáy biển không có gì là lạ, song tìm thấy 1 triệu đô trên trần văn phòng quả là điều hiếm gặp.


Ông Lange cho biết ông sẽ giữ một nửa số tiền vàng cho mình trong khi chia số còn lại cho các công nhân đã tìm ra kho báu.

Không ai biết ai đã cất giấu số tiền vàng trên trong tòa nhà, nhưng được biết vào những năm 1930 tòa nhà thuộc sở hữu của một nhà sản xuất rượu vang.


Ngôi nhà nơi kho báu được cất giấu.

Vũ Quý
Theo AFP - Dantri.com.vn

Những đồng tiền được định giá cao nhất thế giới

Trên thế giới có hàng trăm đồng tiền của các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng chỉ có một số ít đồng tiền có sức nặng trong phạm vi khu vực hoàn toàn cầu.

Trang Rediff đã điểm qua những đồng tiền được định giá ở mức cao nhất thế giới dựa trên tỷ giá của các đồng tiền này so với các đồng USD và Euro. Tất nhiên, tỷ giá không nhất thiết đồng nghĩa với tầm quan trọng và ảnh hưởng của các đồng tiền.

1. Đồng Dinar của Kuwait (KWD)

Tỷ giá: 1 KWD = 3,5 USD; 1 KWD = 2,8 Euro
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 1 KWD
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 20 KWD
2. Đồng Dinar của Bahrain (BHD)

Tỷ giá: 1 BHD = 2,6 USD; 1 BHD = 2 Euro
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 5 BHD
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 20 BHD

3. Đồng Rial của Oman (OMR)

Tỷ giá: 1 OMR = 2,5 USD; 1 OMR = 0,3 Euro
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 0,5 OMR
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 50 OMR
4. Đồng Lats của Latvia (LVL)

Tỷ giá: 1 LVL = 1,8 USD; 1 LVL = 1,4 Euro
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 2 LVL
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 500 LVL

5. Đồng Bảng của Anh quốc (GBP)

Tỷ giá: 1 GBP = 1,6 USD; 1 GBP = 1,2 Euro
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 2 GBP
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 50 GBP

6. Đồng Bảng của Falkland Islands (FKP)

Tỷ giá: 1 FKP = 1,5 USD; 1 FKP = 1,2 Euro
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 2 FKP
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 50 FKP

7. Đồng Bảng của Gibraltar (GIP)

Tỷ giá: 1 GIP = 0,65 USD; 1 GIP = 0,82 Euro
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 2 GIP
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 50 GIP

8. Đồng Bảng của Saint Helena, Ascension và Tristan da Cunha (SHP)

Tỷ giá: 1 SHP = 0,6 USD
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 2 SHP
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 20 SHP

9. Đồng Dinar của Jordan (JOD)

Tỷ giá: 1 JOD = 1,4 USD; 1 JOD = 1,1 Euro
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 1 JOD
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 50 JOD

10. Đồng Manat của Azerbaijan

Tỷ giá: 1 Manat = 1,1 USD; 1 Manat = 1 USD
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 0,5 Manat
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 100 Manat

11. Đồng Euro (EUR)

Tỷ giá: 1 EUR = 1,3 USD
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 2 EUR
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 500 EUR

12. Đồng Đôla của Cayman Islands (KYD)

Tỷ giá: 1 KYD = 1,2 USD; 1 KYD = 0,94 Euro
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 0,25 KYD
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 100 KYD

13. Đồng Franc của Thụy Sỹ (CHF)

Tỷ giá: 1 CHF = 1,08 USD; 1 CHF = 0,82 Euro
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 5 CHF
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 1.000 CHF

14. Đồng Đôla của Australia (AUD)

Tỷ giá: 1 AUD = 1,03 USD; 1 AUD = 0,81 Euro
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 2 AUD
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 100 AUD

15. Đồng Đôla Mỹ (USD)

Tỷ giá: 1 USD = 0,76 Euro
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 1 USD
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 100 USD

16. Đồng Đôla của Bahamas (BSD)

Tỷ giá: 1 BSD = 1 USD
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 0,25 BSD
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 100 BSD

17. Đồng Đôla của Bermuda (BMD)

Tỷ giá: 1 BMD = 1 USD; 1 BMD = 0,78 Euro
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 1 BMD
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 100 BMD

18. Đồng Balboa của Panama (PAB)

Tỷ giá: 1 PAB = 1 USD
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 0,5 PAB
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: Không có tiền giấy

19. Đồng Peso của Cuba (CUP)

Tỷ giá: 1 CUP = 1 USD
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 1 CUP
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 100 CUP

20. Đồng Đôla của Canada (CAD)

Tỷ giá: 1 CAD = 0,97 USD; 1 CAD = 0,77 Euro
Mệnh giá cao nhất của tiền xu: 2 CAD
Mệnh giá cao nhất của tiền giấy: 100 CAD
(Theo http://vneconomy.vn)

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Khám phá kiến trúc 'độc đáo' của bến Nhà Rồng



[Hình ảnh Bến Nhà Rồng trên tiền giấy 30 đồng]

Nhắc đến Bến Nhà Rồng - nơi vào ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu hành trình cứu nước - ít ai biết rằng đây cũng là một thương cảng lớn, có kiến trúc rất độc đáo, được xây dựng bởi người Pháp từ những năm 1863.
Nhà Rồng tọa lạc trên ngã ba sông Sài Gòn, đầu đường Nguyễn Tất Thành, thuộc quận 4, TP HCM. Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 4/3/1863, do Công ty vận tải đường biển Pháp Messageries Maritimes xây dựng, vốn để làm nơi ở cho viên Tổng quản lý và nơi bán vé tàu.

Nhà Rồng nay thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM. Ảnh: Vietbalo.com.
Nhà Rồng được xây dựng theo kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trǎng theo mô típ "lưỡng long chầu nguyệt", một kiểu trang trí quen thuộc của đền chùa Việt Nam. Ở giữa hai con rồng, thay vì trái châu thì là chiếc phù hiệu mang hình đầu ngựa và chiếc mỏ neo. Phù hiệu đầu ngựa hàm chỉ thời trước bên Pháp, công ty này chuyên lãnh chở đường bộ với ngựa kéo xe, còn mỏ neo tượng trưng cho tàu thuyền.

Với kiến trúc độc đáo đó nên trụ sở công ty được giới bình dân gọi là nhà Rồng và bến cảng mang tên Bến Cảng Nhà Rồng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Nhà Rồng có nghĩa là Gia Long với Nhà là Gia, Rồng là Long và bến Nhà Rồng được người Pháp đặt để nhớ tới quan hệ của vua Gia Long với nước Pháp.

Vào tháng 10 năm 1865, người Pháp cho dựng cột cờ Thủ Ngữ. Từ "Thủ ngữ" có nghĩa là sở canh tuần tàu biển. Cột cờ treo cờ hiệu để cho tàu thuyền ra vào Cảng nên biết vào ngay hay chờ đợi. Năm 1893, trụ sở công ty Nhà Rồng dùng đèn điện, dùng bóng đèn 16 nến, sáng leo lét, kém xa mấy ngọn đèn lồng thắp dầu lửa mà tòa đô chính cho thắp thử ở đường Catina (Đồng Khởi).

Toàn cảnh Bến Nhà Rồng khi xưa. Ảnh: panoramio.com.
Gần cuối năm 1899, công ty được phép xây cất bến cho tàu cập vào. Bến lót ván dày, đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông 42m (phía tàu cặp vào). Bến này cách bến kia 18m. Bề ngang của moai bến vào phía trong bờ là 8m. Từ bờ ra bến có cầu rộng 10m. Ban đầu xây hai bến rồi xây thêm bến thứ ba.
Năm 1919, công ty được phép xây bến bằng xi măng cốt sắt, nhưng không thực hiện được, phải đến tháng 3/1930 mới hoàn thành bến mới, chỉ một bến nhưng dài 430m...

Sau khi người Pháp thất bại ở Đông Dương năm 1954, Bến Nhà Rồng được tu sửa lại và trang trí hình rồng trên đỉnh mái được thay đổi hướng ra ngoài. Cho tới trước năm 1975, Nhà Rồng vẫn được sử dụng như một kiến trúc công trình phục vụ cảng đường thủy của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau khi đất nước thống nhất, để ghi nhớ sự kiện ngày 5/6/1911, Bác Hồ đã ra đi từ Bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước, kiến trúc này được giữ lại làm di tích lịch sử, là khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ khi trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM, nơi đây đã đón tiếp gần 20 triệu lượt khách từ khắp nơi trong nước và nước ngoài đến tham quan. Đặc biệt có hàng trǎm đoàn nguyên thủ quốc gia và đoàn cao cấp các nước đến thǎm viếng tìm hiểu, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện, nơi đây lưu giữ 11.372 tư liệu, hiện vật và 3.300 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh...
(BaoDatViet)

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Mãn Châu quốc (Manchukuo)




[Bản đồ, quốc kỳ, quốc huy Mãn Châu quốc 1932-1945]

Mãn Châu quốc là một quốc gia cai trị trên danh nghĩa vùng Mãn Châu và phía đông Nội Mông, do các quan chức nhà Thanh cũ tạo ra với sự giúp đỡ của Đế quốc Nhật Bản vào năm 1932. Quốc gia này do Đế quốc Nhật thành lập và điều hành, cùng với Phổ Nghi, hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, nhiếp chính và là hoàng đế trên danh nghĩa. Chính quyền Mãn Châu quốc bị hủy bỏ vào năm 1945 sau sự thất bại của Đế quốc Nhật vào cuối Thế chiến II. Tuy có tên như vậy, người Mãn chỉ là một phần thiểu số ở Mãn Châu quốc, còn nhóm dân tộc đa số là người Hán. Ngoài ra còn có người Triều Tiên, Nhật, Mông Cổ và những nhóm thiểu số khác. Khu vực Mông Cổ ở phía tây Mãn Châu quốc có chế độ cai trị hơi khác do truyền thống của người Mông Cổ ở đó.

Chỉ có 23 trên 80 quốc gia đang tồn tại khi đó thừa nhận quốc gia mới này. Những nhà sử học nói chung đều xem Mãn Châu quốc là quốc gia bù nhìn hay thuộc địa của Đế quốc Nhật Bản vì sự hiện diện số đông của quân đội Nhật và sự quản lý chặt chẽ về quản lý chính quyền, cộng với sự tàn bạo trong thời chiến của Nhật đối với người dân địa phương ở Mãn Châu quốc. Những sử gia người Trung Quốc thường nhắc đến quốc gia này với tên 'Ngụy Mãn Châu quốc' để nhấn mạnh sự thiếu hợp pháp của nó. Nhật bản cũng mở rộng hệ thống công nghiệp và giao thông ở Mãn Châu quốc để biến nó thành căn cứ chiến tranh cho những chiến dịch quân sự chống lại Trung Quốc. Ngoài ra, một số sử gia xem Mãn Châu quốc là một nỗ lực thất bại trong việc xây dựng một quốc gia Nhật Bản hình mẫu ở châu Á do áp lực chiến tranh.(wiki)

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites