Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Toda và quyển Annam And Its Minor Currency về tiền cổ Việt Nam

Thuở nhỏ tôi có thấy một số đồng tiền kim loại (có lẽ là tiền kẽm) đựng trong cái hộp gỗ nhỏ được xỏ xâu bằng sợ dây chì. Tiền quá xấu, xám xì và hư mục, nhưng vẫn còn hiện rõ những chữ tượng hình hoàn toàn vô nghĩa với tôi, vì chữ Hán vào thế hệ của tôi đã bị bỏ không còn dạy trong trường học nữa. Cùng với tiền kẽm đó cũng có vài đồng bạc Đông Dương sáng bóng, trông thanh thoát, đẹp đẽ hơn, nên tôi thích sờ mó chúng hơn.

Có ai ngờ đâu một thanh niên 21 tuổi trên 100 năm trước đã đến vùng Á Đông xa xôi, đã học nói, đọc cái thứ chữ tượng hình khó khăn đó, tức chữ Hoa phổ thông, đủ uyên bác để viết nên tác phẩm về lịch sử Trung Hoa và bằng một sự đam mê, còn với tới việc sưu tầm tiền Việt cổ nữa. Ngày nay tôi đọc lại tác phẩm này, mới biết rằng ông chẳng những là bậc thầy của tiền tệ cổ Việt Nam mà còn có lẽ cả về lịch sử, văn hoá đất nước này nữa... Người ấy chính là Ed. Toda.

Eduardo Toda là người Tây Ban Nha, sinh tháng 1/1855 tại Reus ( TBN). Ông vốn thông minh thiên phú, biết nhiều ngoại ngữ. Ông đã học luật tại Madrid, và nghiên cứu nhiều về văn hoá của Ai Cập, Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản. Ông cũng tham gia công tác ở ngành ngoại giao từ năm 1873, và sống, đi lại nhiều ở vùng Viễn Đông từ 1876 đến 1882.

Những tài liệu về Ai Cập của ông được nhiều người biết, là kết quả hoạt động nghiên cứu và khảo cổ của ông về nước này.
Toda mất ngày 26/4/1941 tại quê nhà và được chôn cất ở Poblet, Tây Ban Nha.

Như đã nói ở trên, do được công tác trong ngành ngoại giao đã đưa ông đến vùng Viễn Đông, công tác tại lãnh sự Tây Ban Nha. Ông đặt chân đến Hong Kong ngày 24/3/1876 sau chừng một tháng lênh đên trên biển. Lúc ấy ông chỉ là một thanh niên xốc vác, năng động 21 tuổi, và công tác trong 6 năm liền trước khi ông rời bỏ nơi này vào năm ông 27 tuổi.

Trong thời gian công tác ông đã đi lại nhiều các nơi như Macao, Quảng Châu, và nhiều địa phương khác của Trung Quốc, và sang các nước lân cận như Phi Luật Tân, Nhật và Triều Tiên, và nhiều tài liệu còn nói ông sang cả Seberia, Úc, Ấn Độ và Trung Á nữa, mặc dù các điều này không thể kiểm tra qua các tài liệu ghi lại. Chỉ có thể cho rằng với cá tính sôi nổi của ông, điều này đều có thể xảy ra, và giúp kinh nghiệm sống đã hình thành phong cách và chất liệu để viết các tác phẩm của ông, mà quyển sách về tiền cổ Việt Nam chỉ là một mảng nhỏ.

Về quyển Đồng tiền nhỏ của An Nam.

Đây là quyển sách được giới sưu tầm tiền cổ Việt Nam ưa thích, mặc dù đã được soạn hàng trăm năm rồi. Nó được xuất bản năm 1882, tức đến nay (2011) là 129 năm đã trôi qua. Điều này có nghĩa là phần tiền kể từ khi tác giả viết quyển sách này (tức 1882) về sau không được nói đến, (việc này phải tham khảo ở tài liệu khác).

Quyển Đồng tiền nhỏ An Nam được Nhà xuất bản Noronha & Son in năm 1882 tại Thượng Hải. Sách gồm hai phần : phần diễn giải các mặt khác nhau của đồng tiền và liệt kê các đồng tiền theo các triều đại (104 trang) và phần hình ảnh các đồng tiền có nói đến ở phần trước (trang 105 đến 261).

Phần I: Các Lưu ý chung

Chương I: Những nhận xét sơ bộ: Phần này tóm tắt rất ngắn gọn về nước An nam và nghiên cứu tiền tệ của nước này.

Chương II: Tóm tắt sơ về địa lý và lịch sử An Nam.

Chương III: Giới thiệu về hệ thống đặt tên thời gian theo phương pháp ghép 10 can và 12 chi của Trung quốc và An Nam, và bảng tóm lược các triều đại và vương hiệu của các vua chúa An Nam.

Chươg IV: Tình hình nước An Nam với tư cách một nước độc lập sau năm 1874 và tư tưởng lệ thuộc phương Bắc của nhà Nguyễn ngay sau mốc thời gian này

Chương V: các mỏ kim loại của An Nam

Chương VI: Việc đúc tiền của An Nam

Chương VII: Tiền giả và hệ thống pháp luật liên quan đến tiền giả

Chương VIII: Kho tiền (kho bạc) và luật lệ liên quan

Chương IX: Tác tập tục và mê tín về tiền bạc của người An Nam

Chương X: Tiền giấy của An Nam

Phần II Lịch sử tiền An Nam (lưu ý: phần này nêu các tiền tệ của các triều đại vua, liệt kê theo lịch sử)

Chương XI: Nhà Ngô- Thập Nhị Sứ Quân- Nhà Đinh- Nhà Tiền Lê

Chương XII: Nhà Lý

Chương XIII: Nhà Trần

Chương XIV: Các cuộc nổi loạn : Nhựt Lễ (1368-1370), Nguyễn (1381-1382), Sứ (1391-1392), Hồ (Quý Ly và Hán Thương), Thiên Bình (1405-1406), Lộc Bình Vương (1420). Đây là các cuộc nổi loạn mà loạn quân có đúc tiền riêng cho mình.

Chương XV: Bắc thuộc (1414-1428)

Chương XVI: Nhà Lê

Chương XVII: Các cuộc nổi loạn Lạng Sơn Vương (1459-1532), Kim Giang Vương (1509), Trần Tuấn (1511-12), Trần Cao (1516-21), Quan Thiếu Đế (1531-32).

Chương XVIII: Nhà Mạc

Chương XIX: Giặc Tây Sơn (1764-1801)

Chương XX: Trung Quốc can thiệp- Nhà Nguyễn

Chương XXI: Giặc Lê Văn Khôi (1831-34), giặc Nùng. Các đồng tiền còn nghi vấn (từ 1600 đến 1882)

Phần thứ hai là phần liệt kê các đồng tiền có đề cập theo các triều đại vừa nói ở trên, tổng cộng có 290 hình đồng tiền cổ An Nam được minh họa. Phần này hết sức hữu ích vì các hình ảnh cho thấy trên từng đồng tiền có ghi những chữ gì, đặc điểm trình bày các chữ này : đọc từ trên xuống dưới rồi phải sang trái hay từ trên sang phải và từ trái xuống dưới, chữ thường hay chữ triện, mặt trái có gờ ở rìa hay không có v.v...

Kết luận:

- Một tác phẩm tiên phong về tiền cổ Việt Nam, không thể không đọc nếu là người chơi tiền cổ Việt Nam, và cũng không thể thiếu nếu nghiên cứu lịch sử Việt Nam

- Cũng như các tác phẩm khảo cứu của các học giả phương Tây khác, mặc dù tác giả cho thấy ông hết sức tinh tường chữ viết, lịch sử của Việt Nam, nhưng vẫn có những sai sót nhỏ trong tác phẩm. Dù vậy đánh giá tổng thể thì đây là một công trình nghiên cứu xuất sắc.
(Tran Quang De)

Xem sách online tại :> http://art-hanoi.com/toda/
Xem thêm tại đây : Nhấn vào đây

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites