Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

Đáng yêu hải cẩu



[Hình ảnh Hải cẩu trên tiền xu Galapagos Island]


[Hình ảnh Hải cẩu trên tiền polymer Arctic Territories]
Trong các loài thú ở biển có lẽ dễ gần và dễ thương nhất là hải cẩu. Chúng có dáng vẻ linh hoạt mặc dù thân hình khá đồ sộ, tiếng kêu ăng ẳng, từ thoạt nhìn đầu tiên đã khiến người xem yêu mến. Hiện nay, nhiều nơi còn nuôi chúng, huấn luyện vì mục đích kinh tế như bắt cá, quân sự như thám thính hay giải trí như làm xiếc đóng phim và làm cảnh.


Loại thú này nằm trong bộ chân vây Pinnipedia, gồm ba họ: họ Otariidae với sáu loại và 12 loài có tai bao gồm cả hải cẩu lông thú và sư tử biển, họ Phocidae 13 loài, 18 loài không tai hoặc có lông tơ họ Odobenidae với loài moóc duy nhất có hai cái răng nanh to dài.

Hải cẩu lông thú sống nhiều ở Bắc Thái Bình Dương và là sinh vật có giá trị về bộ lông. Hải cẩu lông tơ lại chỉ sống ở xứ lạnh và có giá trị về thịt, da và mỡ dùng làm dầu đèn, dầu bôi trơn và xà phòng.

Có thể nói cơ thể hải cẩu lớn hơn nhiều loài thú ăn thịt khác trên mặt đất. Loài hải cẩu nhỏ nhất là hải cẩu đeo vòng, lúc trưởng thành dài tới 1,4m, nặng 90 kg. Loài lớn nhất là hải cẩu voi ở nam bán cầu, những con đực dài 6,5m, nặng 3.630 kg. Tùy vào đặc tính mà con đực có thể nhỏ hơn con cái, như hải cẩu sư, hải cẩu ăn cua, hải cẩu báo và hải cẩu Weddell, bằng con cái như phần lớn hải cẩu Phocidae hoặc lớn hơn con cái là hải cẩu Otariidae.

Mỡ của hải cẩu rất dày, chiếm hơn 45% trọng lượng và là một cái máy cân bằng nhiệt, năng lượng trong thời cho con bú sữa, đồng thời cũng là một cái phao dưới nước.

Tiếng kêu của hải cẩu rất hấp dẫn, từ lắng dịu như ở hải cẩu Weddell, chiêm chiếp như tiếng chim ở hải cẩu Ross đến gay gắt khó chịu và vang xa tới 1,6 km ở hải cẩu voi bán cầu bắc.


Nhiều loại hải cẩu như hải cẩu cảng gần như chỉ sống ở trên bờ song có loại như hải cẩu lông thú bắc bán cầu lại dành 6 đến 8 tháng ngoài biển. Những con hải cẩu bán cực sống ở rìa các tảng băng thường bám vào các tảng băng trôi để đi tìm kiếm thức ăn và tự vệ.

Nhìn chung, các loại hải cẩu đều dễ hòa hợp và thích ngao du. Hải cẩu lông thú vào mùa đông thường sống một mình song mùa hè lại tập trung tại các nơi sinh sản đông tới hơn một triệu con trong bán kính 80 km. Các con đực thường có tới 15 đến 40 con cái. Trong số hải cẩu lông tơ thì chỉ có hải cẩu voi là đa thê hơn cả, trung bình là 20 con cái/01con đực, kế đó là hải cẩu xám 10/1. Hải cẩu có thể sống tới 30 năm.

Về xuất xứ, hải cẩu lông thú có quan hệ gần với loài gấu nên còn được gọi là gấu biển. Chúng thuộc chủ yếu hai loại Callorhinus và Arctocephalus.

Ở Callorhinus, nổi bật là hải cẩu lông thú Bắc cực C.ursinus sinh nở vào hè thu ở các đảo Pribilof và Komandor ở biển Bering, đảo Robben ở biển Okhotsk Nga, đảo Kurile biển Nhật Bản và đảo San Miguel biển California Mỹ. Mùa đông và đầu xuân, chúng phân tán ra Bắc Thái Bình Dương, nam biển Bering, biển Nhật Bản và biển Okhotsk.

Các con đực già bao giờ cũng đến được các bãi đá đầu tiên vào mùa xuân, và có hàng trăm con cái theo đuổi. Con cái đẻ một con có mầu đen và nặng 5,4 kg, khi trưởng thành con đực nặng 225 kg, con cái nặng 40 kg. Con đực bao giờ cũng chết sớm hơn, hiếm khi tới 20 tuổi song cá biệt con cái lên tới hơn 25 năm. Chúng cũng hay di cư đến phía nam từ Pribilof và một số đảo tới nhiều nơi từ tháng 11 hoặc đầu xuân.

Ở Arctocephalus, nổi bật là hải cẩu lông thú Nam Phi A.pusillus là sinh vật sống ở bờ biển. Chúng tập trung cách đất liền 160 km từ Tây Nam Phi đến mũi Hảo Vọng.

Hải cẩu lông thú Nam Mỹ A.australis rải rác từ Brazil tới eo biển Magellan, và từ bắc đến nam Peru và quần đảo Galápagos và đảo Falkland. Sư tử biển là sinh vật nổi bật ở họ Otariidae, với năm loài, lông to và xù lên trông như một con sư tử.

Hải cẩu lông tơ thuộc họ Phocidae là sinh vật có lối sống thủy sinh đặc biệt nhất trong họ hàng hải cẩu. Chúng có cổ ngắn, có thể dướn lên và không có tai ngoài, chân sau dài phù hợp với bơi lội ngược với hải cẩu lông thú chỉ dùng chân trước để bơi và di chuyển trên đất theo hình lượn sóng. Đa số hải cẩu lông tơ đều di cư đến vùng vĩ độ cao, số còn lại ở vùng nước bán nhiệt đới hoặc ở hồ lớn và thường di chuyển đến vùng lạnh hơn để sinh sản.

Trong hải cẩu lông tơ, nổi bật là hải cẩu lông tơ bắc bán cầu như hải cẩu hạc Pagophilus groenlandicus hay Phoca groenlandicus là sinh vật biển sâu, sinh sản trên các tảng băng trôi ở Bắc Đại Tây Dương và vùng nước kế cận với biển Bắc cực. Cả năm gần như định cư song cũng có những chuyến đi dài, thường thấy ở biển Labrador tới biển Kara, biển Siberia.

Hải cẩu đeo vòng Pusa hispida hay Phoca hispida với sáu tiểu loại, nói chung sống ở bên rìa băng Bắc cực ở Bắc Băng Dương và đôi khi tới Bắc cực. Chúng xuất hiện ở các bãi băng dọc phía bắc Âu - Á, Greenland, Bắc Mỹ, trong các hồ nước đóng băng của tây Âu, vịnh Hudson, Labrador, biển Okhotsk, biển bắc Nhật Bản và nam biển Bering.

Đây là loài thấy nhiều nhất và phân bố rộng rãi nhất ở Nga vì nước này có đường bờ biển đóng băng dài, chúng cũng là loài quan trọng nhất trong họ hàng hải cẩu về mặt kinh tế đối với người dân bản địa viễn bắc.

Độc đáo không kém là hải cẩu lông tơ cảng Phoca vitulina với năm tiểu loại phân bố quanh bờ Bắc Băng Dương và chạy về phía nam Âu - á và Bắc Mỹ, điểm xa nhất phía bắc là đảo Ellesmere, điểm xa về phía nam là Bồ Đào Nha và bang Bắc Carolina Mỹ (Đại Tây Dương, phía bắc Hạ California Mỹ và Trung Quốc (Thái Bình Dương) và một số ở biển Baltic.

Hải cẩu lông tơ Nam cực có bốn loài rất độc đáo, đáng kể nhất là hải cẩu ăn cua Lobodon carcinophagus cũng là loài thấy nhiều nhất ở vùng Nam cực và cũng được gọi là hải cẩu ăn nhuyễn thể. Ba loại còn lại là hải cẩu voi Mirounga leonina dễ nhận với cái mõm dài, hải cẩu lông tơ Weddell Leptonychotes weddelli và hải cẩu báo Hydrurga leptonyx.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites