Không còn giữ vai trò tiền tệ như thời thuộc Pháp nhưng đồng bạc trắng của Pháp, (còn gọi là bạc hoa xoè) ngày nay vẫn có một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hoá, tâm linh của bà con các dân tộc vùng Tây Bắc.
Không chỉ là tiền tệ
Ký ức của ông Sồng A Mang ở Làng Chêu, Bắc Yên, Sơn La vẫn còn đọng một nỗi buồn không thể xoá nhòa theo năm tháng. Ông kể: “Ngày ấy, nếu nhà có thêm 10 đồng bạc trắng thì tôi đã lấy được người con gái mình yêu ở bên Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La). Nhưng bố mẹ nghèo, còn tôi thì chưa làm gì ra được bạc trắng. Vậy là phải chấp nhận số phận. May mà ngày ấy, có cô gái nghèo cùng bản lại yêu thương, bày cách cho tôi đi bắt cô ấy về làm vợ. Bây giờ hai vợ chồng đã có hơn 10 đứa cháu rồi...”.
Nơi vùng cao này, không chỉ ông Mang có nỗi đau khổ do thiếu bạc hoa xoè mà cả trăm, cả ngàn người khác cũng đau khổ vì nó. Có người mất nhà cửa, ruộng nương, trâu, ngựa; có người mất cả vợ, con hoặc chính bản thân vì vay nợ bạc trắng. Nhiều khi cái nợ ấy lại do từ đời cha, đời ông để lại.
Ông Đinh Xuân Tôn (hơn 80 tuổi), người cán bộ cách mạng nằm vùng một thời ở huyện vùng cao Bắc Yên kể: “Tôi ăn cùng dân, ở cùng dân, vào đồn địch cứu dân, huấn luyện dân quân du kích, xây dựng cơ sở cách mạng, gắn bó với dân mới biết dân mình ngày ấy nghèo đến mức nào. Khi ấy, đồng bạc trắng vẫn đang được lưu hành với tính chất tiền tệ mà cả ngàn hộ dân mấy ai có được bạc trắng đâu. Mỗi khi nhà có ma chay, cưới xin, cúng lễ... là phải đi vay bạc trắng của nhà giàu, thế là thành người ở, con nợ truyền kiếp của người giàu có”.
Cũng bởi nghèo nên cả đời chưa được một lần nắm trong tay đồng bạc hoa xoè (loại bạc 1 đồng do Pháp sản xuất) và một phần tâm tưởng cho rằng “trong bạc có thần” nên bà con các dân tộc vùng cao trân trọng đồng bạc trắng hơn cả giá trị tiền tệ.
Bà Lò Thị Phanh ở xã Chiềng Nơi (Mai Sơn, Sơn La) tâm sự: “Thực ra, người dân tộc vùng cao trước đây làm gì đã có văn hoá mua - bán mà dùng bạc với tính chất tiền tệ. Mọi hàng hoá ngày ấy hầu hết chỉ mang tính chất trao đổi, còn bạc trắng được coi là của quý để biếu, tặng, làm sính lễ, chia của hồi môn, chia phần cho người chết, chế tác ra những đồ dùng quý như trâm cài đầu, cúc bướm...”. Đồng bạc hoa xoè kỵ gió độc còn được dùng làm vật phòng thân. Vì thế, ai cũng muốn có được trong tay những đồng bạc trắng. Người giàu có thì dùng làm trang sức, khoe ra ngoài để tạo thế lực cho mình. Người nghèo thì kiếm lấy một vài đồng, cất kỹ để phòng khi cần dùng đến. Còn những gia đình quá nghèo thì cả đời chỉ được nhìn thấy, nghe thấy chứ đâu được làm chủ đồng bạc hoa xoè lấy một ngày!
Thiếu nữ Thái duyên dáng cùng những trang sức từ bạc trắng
Sau khi Nhà nước Việt Nam phát hành tiền tệ mới thay thế đồng tiền của Pháp thì bạc hoa xoè vẫn được lưu thông mạnh giữa vùng cao Tây Bắc và Lào, Thái Lan, Trung Quốc với tính chất là hàng hoá đặc biệt. Ông Nguyễn Văn Tú, lái xe tải thuộc Đoàn 3 - đơn vị chuyên quá cảnh sang Lào kể: “Thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, muốn mua được dép tông, áo thun, đèn pin... của Lào với giá rẻ thì chỉ có cách mang bạc trắng từ Việt Nam sang đổi hàng với người Lào. Nếu mua thẳng bằng tiền Việt hoặc tiền kíp thì đắt gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với đổi bạc trắng”. Khi ấy, mua bạc trắng ở Việt Nam rất dễ, nhất là tại vùng Sơn La, Điện Biên. Cứ vào nhà nào ven phố hỏi bạc thì hầu như ai cũng có. Hầu hết những đứa trẻ người dân tộc ngày ấy đều đeo bạc trắng trên cổ, còn các cô gái thì đeo bạc đầy người: Đính trên khăn piêu, vòng tay, vòng cổ, cúc bướm, dây lưng...
Sau một hồi lục tìm dưới đáy chiếc hòm gỗ, chị Lò Thị Len ở xã Phiêng Pằn, Mai Sơn cũng tìm ra được 3 đồng bạc trắng loại 1 hào đã xỉn màu, có niên hạn từ 1905 và 1907. Chị bảo: “Khi mình đi lấy chồng, nhà nghèo lắm nên bố mẹ chỉ cho được 3 đồng này thôi. Nhiều lần mình định đem đi làm cái trâm hay vòng tay nhưng nghĩ lại, phải để làm hồi môn cho con gái hoặc lo việc lớn sau này...”.
Theo bố chồng chị Len, với phong tục người Thái, Sinh Mun, Khơ Mú... người chết sẽ được chia một số của theo mộ, trong đó có bạc trắng. Ngoài ra, còn cần 2 đồng bạc trắng để kê bờ vai người chết khi đặt trong áo quan. Có như vậy thì cái hồn mới vui vẻ ra đi, không làm hại người sống. Ngày nay, dù đã dùng cả tiền giấy thật và vàng mã nhưng nếu thiếu 2 đồng bạc kê vai thì người thân vẫn cảm thấy như chưa hoàn thành nhiệm vụ với người đã khuất.
Tìm đâu ra bạc hoa xoè chính hiệu?
Chính bởi đồng bạc hoa xoè đã đi vào đời sống văn hoá của bà con các dân tộc vùng cao nên nhu cầu bạc trắng hiện nay ở vùng Tây Bắc vẫn ngày một tăng mạnh. Bên cửa hàng vàng bạc Trường Ký, thành phố Sơn La, chị Lù Thị Thanh đang loay hoay với 2 đồng bạc trắng mà chủ tiệm vừa cho xem: “Mình đi tìm mua bạc trắng về để cho con trai lấy vợ. Ngày xưa, bố mẹ mình nghèo, không lo nổi đồng bạc cho con. Giờ no đủ rồi, phải cố lo cho đủ lễ theo phong tục của ông bà mình chứ. Nhưng nhiều người cứ bảo bây giờ toàn bạc giả, chả biết chọn thế nào”.
Trở lại với ông Tú - lái xe kiêm buôn bạc nổi tiếng ở đất Sơn La mấy chục năm trước - để nhờ ông kiếm cho mấy đồng bạc hoa xoè chính hiệu, ông trợn mắt nhìn tôi, bảo: “Chú kiếm bạc nếu chỉ để dùng trị cảm gió thì cũng được nhưng phải cho tôi thời gian mới kiếm được bạc xịn. Còn nếu đi buôn bạc thì đừng. 20 năm trước, ai dám bảo thằng buôn bạc như tôi nay lại vất vả thế này. Những tay cùng buôn bạc ngày ấy, nếu không chuyển nghề sớm thì đến nay cũng vất vả như tôi thôi. Nghề buôn bạc trắng cũng bạc lắm”.
Từ đồng bạc trắng, nhiều đồ trang sức cho bà con được chế tác
Cũng theo ông Tú, trên “vựa bạc” Tây Bắc bây giờ, kiếm đồng bạc trắng xịn - loại do người Pháp đúc từ những năm 1930 trở về trước - còn khó hơn cả mua kim cương hay vàng khối, bạch kim. Thậm chí, có những đồng bạc còn đắt hơn vàng nhiều lần do tính chất “hàng độc” đối với dân chơi bạc hoa xoè. Tìm được đồng bạc thời xưa rất khó, hầu hết là bạc dân ta mới đúc để đáp ứng nhu cầu sử dụng theo tập tục của các dân tộc vùng cao. “Sành bạc như tôi mà chủ quan thì cũng dễ mắc phải bạc giả” - ông Tú khẳng định.
Nói rồi, ông lục tủ lấy ra một đồng bạc hoa xoè niên hạn 1905 có màu vàng óng pha chút đen xỉn như màu chì, một bên mép còn mảnh giấy vuông ghi giá 400.000 đồng: “Năm ngoái, tôi mua được ở hiệu vàng Ký Đúc (thành phố Sơn La) đấy. Màu vàng và đen này là do hôm trước đánh cảm gió cho bà ấy chưa kịp lau đi. Chỉ quệt vào quần là sạch thôi mà, đừng đánh cát, đánh gio mà nó nhanh mòn. Đã là bạc xịn, không biết thử bằng cách thổi hơi hay nghe âm thanh thì cứ mang ra đánh cảm là rõ nhất. Bạc nhiễm màu đỏ là cảm nắng, màu đen là cảm gió, đánh xong nhẹ người ngay. Cho chú xem để biết chứ không bán được. Khi nào thấy bạc xịn, tôi sẽ mua cho chú sau”./.
Kiều Thiện (Báo TNVN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét