Năm 1225, vị nữ quốc vương nước Đại Việt là Lý Chiêu Hoàng cởi long bào nhường ngai vàng cho phu quân. Kể từ đây, vương quyền họ Lý chuyển sang họ Đông A. Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế, lần lượt lấy 3 niên hiệu:
- Kiến Trung: 1225-1231
- Thiên Ứng Chính Bình: 1232-1250
- Nguyên Phong: 1251-1258
Ngay từ khi mới lên ngôi, vua đã quan tâm đến vấn đề sử dụng tiền tệ mà trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí đã ghi lại: “Năm Kiến Trung thứ 2... xuống chiếu định rằng dân gian dùng tiền với nhau thì một tiền là 69 đồng, gọi là tiền bớt, nộp lên thì 1 tiền là 70 đồng”.
Ngày nay giới sưu tập đã tìm thấy hai loại tiền Kiến Trung Thông Bảo đều đọc tròn, nhưng có đặc điểm thư pháp hoàn toàn khác nhau. Niên hiệu Kiến Trung còn gặp ở hai vị vua Trung Quốc là Đường Đức Tông, niên hiệu Kiến Trung (780-783) và Tống Huy Tông niên hiệu Kiến Trung Tĩnh Quốc (1101). Vậy những đồng tiền trên do ai đúc?
* Có một loại tiền Kiến Trung đã được các chuyên gia tiền cổ như TingFuBao, Ogawa Hiroshi... giám định là tiền thời Đường, tôi hoàn toàn đồng ý vì xem kỹ thấy có các đặc điểm sau:
- Thư pháp trên đồng tiền chính là thư pháp được thể hiện trên các đồng tiền Trung Quốc đương thời: hai chữ “thông bảo” thì đã quá rõ; bộ “dẫn” trong chữ “kiến” không viết rõ như trong các đồng tiền sau này, lại viết giống bộ “sước” trong chữ “thông” trên cùng đồng tiền.
- Vành, kích thước và các đặc điểm khác đều mang đặc điểm của các loại tiền cùng thời.
* Loại xong đồng tiền vừa mô tả trên, còn lại một đồng tiền Kiến Trung đã được TingFuBao, Miuria Gosen... giám định là của Trần Thái Tông, song xem kỹ, sẽ nhận thấy có những đặc điểm rất kỳ lạ:
- Đồng tiền có vẻ dày dặn, cứng cáp, vành rộng... khác hẳn những đồng tiền thời Lý.
- Thư pháp cũng khác hẳn, chữ nhỏ nét dày, hai chữ “thông bảo” rất giống như trong tiền Tường Phù Thông Bảo (loại chữ nhỏ) của Tống Chân Tông đúc vào niên hiệu Đại Trung Tường Phù (1008-1017)...
Và như vậy, đồng tiền Kiến Trung này có đặc điểm, thư pháp... hoàn toàn giống tiền Tường Phù của Đại Tống! Hay tiền này là do Tống Huy Tông đúc?
Chúng ta chưa rõ các chuyên gia tiền cổ nổi tiếng của Trung Quốc - Nhật Bản giải thích sự nhận định của mình như thế nào, nên đành phải lựa đường hỏi tra:
Xét rằng Huy Tông (1101-1125) nước Đại Tống là một nghệ sĩ bậc thầy, một hoạ sĩ hữu danh, một nhà cổ ngoạn say mê, một thư pháp gia nổi tiếng... mà những đồng tiền đúc thời vua này như các hiệu Sùng Ninh (1102-1106), Đại Quan (1107-1110), Chính Hòa (1111-1117), Trọng Hòa (1118) và Tuyên Hòa (1119-1125) đều mang nét ngự bút. Ngoài ra, Tống sử còn cho hay năm 1101, Tống Huy Tông đã có đúc hai loại tiền là Thánh Tống Nguyên Bảo và Thánh Tống Thông Bảo đều mang thư pháp của vua; và mới đây, giới sưu tập còn tìm thấy tiền Kiến Quốc Thông Bảo (Kiến Quốc là viết tắt 4 chữ của niên hiệu Kiến Trung Tĩnh Quốc 1101) cũng mang thư pháp của vua. Nếu Tống Huy Tông có đúc tiền Kiến Trung, hẳn nó cũng phải nằm trong dòng chảy những đồng tiền mang thư pháp “Huy Tông thủ”, đồng thời có những đặc điểm của tiền thời này; trong khi tiền Kiến Trung Thông Bảo thì khác hẳn.
Vả lại, khi mới lập triều, Trần Thái Tông đã ban chiếu “Định phép dùng tiền”, chắc chắn phải có đúc tiền để thực thi chiếu ban hành, đồng thời bố cáo thiên hạ niên hiệu đang trị vì đất nước. Lẽ nào phải sử dụng lại các đồng tiền triều Lý là của một vương triều mà mình đã cướp ngôi và tìm mọi cách thủ tiêu, tận diệt?
Tuy vậy, lời giải thích trên vẫn chưa đủ sức thuyết phục cho việc giám định tiền Kiến Trung Thông Bảo là do Trần Thái Tông đúc. May đây, còn có một chứng cứ khác. Đó là những đồng tiền hiệu Chính Bình...
Sách của TingFuBao, Miuria Gosen giới thiệu tiếp là đồng tiền Chính Bình Thông Bảo có đặc điểm hoàn toàn giống tiền Kiến Trung vừa bàn, đồng thời cũng giám định là của Trần Thái Tông.
Ở Nhật Bản cũng có niên hiệu Chính Bình (Shohei 1346-1370), song vào thời này, tại xứ sở hoa anh đào đang lưu hành rộng rãi các loại tiền Trung Quốc, nếu có đúc thêm thì cũng chỉ phỏng lại các loại tiền Khai Nguyên Thông Bảo, Tống Nguyên Thông Bảo, Hồng Vũ Thông Bảo... mang các đặc điểm riêng.
Năm 1995, hai nhà sưu tập tiền cổ ở Âu (Lê Văn Trị) và Mỹ (Nguyễn Văn Hữu) đã tìm thêm được hai đồng tiền Chính Bình Nguyên Bảo cùng đặc điểm với tiền Chính Bình Thông Bảo, chỉ khác ở chổ chữ “thông” được thay bằng chữ “nguyên” nhưng cùng thư pháp. Nhiều nhà nghiên cứu tai nghe nhưng mắt chưa thấy, tỏ vẻ hoài nghi: - E đọc nhầm từ tiền Hàm Bình Nguyên Bảo mà ra? Thưa không, hai bản rập của hai đồng tiền từ hai chân trời gởi về cho thấy chữ “chính” gồm chữ “chánh” ghép với bộ “phộc” rất rõ ràng!
Xét mỗi sự kiện lịch sử, cũng như sự xuất hiện của một đồng tiền, phải đặt vào tổng thể hài hòa của nó. Do vậy, mỗi đồng tiền trong các đồng tiền Kiến Trung Thông Bảo, Chính Bình Thông Bảo và Chính Bình Nguyên Bảo chính là một chứng cứ bổ sung cho đồng tiền kia để đi đến kết luận...
Tất cả chúng đều được đúc thời Trần Thái Tông! Song sự xuất hiện của những đồng tiền có đặc điểm lạ ở nước Đại Việt, nhưng lại mang sắc thái của một thể loại tiền thời Bắc Tống, làm tôi băn khoăn: phải chăng chúng là sản phẩm của những người thợ đúc tiền lành nghề ở phía bắc nước Đại Tống, lánh nạn Mông - Nguyên sang lập nghiệp ở nước ta?
BS NGUYỄN ANH HUY
(www.khoahoc.net)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét