Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

Zimbabwe - hàng ngàn tỉ “đô” thành trò giải trí

Những ngày này du khách phương Tây đang đổ xô tới Zimbabwe để tìm kiếm những con số 0. Họ mua như cướp các tờ đô la Zimbabwe, nổi tiếng nhất là tờ 100 ngàn tỉ đô la, để mang về quê như một món quà lưu niệm “độc”.

Tờ 100 ngàn tỉ đô la Zimbabwe, gồm số 100 và 12 số 0 theo đuôi nó, là tờ tiền có mệnh giá cao nhất khi Zimbabwe ở đỉnh cao của tình trạng siêu lạm phát cách đây vài năm. Nhưng giờ nó chỉ có giá khoảng 5 USD, tùy theo độ mới và sự nguyên vẹn của đồng tiền.

Từ “hàng rớt giá” thành của độc

Đồng tiền này cùng những đồng bạc mang mệnh giá tỉ, trăm tỉ và ngàn tỉ khác, đã bị hủy bỏ cách đây gần 2 năm. Nhưng giờ chúng lại trở thành một món hàng “hot”.

“Tôi phải kiếm lấy một tờ tiền như vậy” - Janice Waas hăm hở nói trong chuyến thăm thị trấn du lịch Victoria Falls - “Các con số trên đồng bạc đó rất ấn tượng”. Cô gái trẻ đã kiếm được 1 tờ đô la Zimbabwe vẫn còn mới tinh, từ một người bán hàng rong.

Đồng đô la mệnh giá 100 ngàn tỉ đang được du khách phương Tây tìm kiếm

Janice cho biết, các tờ bạc “khủng” của Zimbabwe là một món đồ hoàn hảo để người ta chơi trò giải đố, tính toán và những thứ khác có liên quan tới toán học. Như để minh họa, chồng Janice là Thomas Waas, một nhà vật lý và kỹ sư tới từ Đức nói rằng nếu dân số thế giới là 7 tỉ người, ông có thể tặng mỗi cá nhân hàng ngàn đô la từ đồng bạc 100 ngàn tỉ mà vợ ông mới mua được với giá “siêu bèo”.

Theo Janice, người phương Tây rất sẵn lòng mua các tờ tiền “khủng” này chủ yếu vì mệnh giá cao tới mức kỳ quái của chúng. Chung quan điểm, một du khách Australia giấu tên nói với hãng tin AP rằng ông muốn có một tờ tiền đặc biệt này để treo tại quán bar ở nhà.

AP đã phỏng vấn những người bán hàng rong ở Zimbabwe và biết rằng cơn sốt đô la mệnh giá “khủng” đã khiến cho họ hết sạch “hàng” để bán, dù đồng tiền này mới chỉ bị đưa ra khỏi lưu hành cách nay 2 năm, sau một thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa Tổng thống Robert Mugabe và Thủ tướng Morgan Tsvangirai. Đây là hiện tượng lạ nếu biết rằng hồi năm 2009, người dân Zimbabwe đã từng từ chối không chấp nhận sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch.

Cơn ác mộng siêu lạm phát

Thời kỳ hưng thịnh, mỗi đồng đô la Zimbabwe từng đổi được 1,59 USD. Nhưng khi Zimbabwe triển khai các hoạt động cải cách ruộng đất vào đầu những năm 1990, nền kinh tế nước này đã suy sụp, dẫn tới sự mất giá nghiêm trọng của đồng nội tệ.

Đầu những năm 2000, Zimbabwe bắt đầu trải qua giai đoạn siêu lạm phát. Tỉ lệ lạm phát chạm mốc 624% vào đầu năm 2004 nhưng chính phủ vẫn không ngừng in thêm tiền và ném vào lưu thông. Năm 2006, Zimbabwe đã ban hành tiền tệ mới, trong đó cắt giảm 3 con số 0 khỏi mệnh giá, đồng thời ra lệnh thu hồi tiền cũ ra khỏi lưu thông. Tháng 2/2007, Zimbabwe tuyên bố lạm phát là “bất hợp pháp”, đồng thời đưa ra ngoài vòng pháp luật bất kỳ hành động tăng giá nào trên một số mặt hàng.

Tháng 3 cùng năm, lạm phát tăng lên mức 1.730% và chỉ 3 tháng sau, tỉ lệ này nhảy vọt lên mức 7,638%. Đại sứ Mỹ ở Zimbabwe khi đó là Christopher Dell đã dự báo tỉ lệ lạm phát có thể đạt mốc 1,5 triệu % vào tháng 12/2007. Chính phủ Zimbabwe bắt đầu phát hành đồng 200.000 đô la và triển khai nhiều biện pháp chống lạm phát như tạm ngưng trả lương cho giới chức nhà nước trong 6 tháng.

Tuy nhiên các biện pháp đối phó đều không ăn thua. Đầu năm 2008, Zimbabwe phát hành đồng 10 triệu đô la, với giá trị chỉ ngang 4 USD. Tháng 4, đồng 50 triệu đô la xuất hiện và giá trị của nó chỉ tương đương 1,2 USD. 1 tháng sau, tới lượt các tờ 100 triệu và 250 triệu đô la xuất hiện. Thông tin chính thức nói rằng tỉ lệ lạm phát tăng vọt lên 165.000 %, dù một số nguồn khác khẳng định tỉ lệ lạm phát đã tăng tới 400.000%. Chỉ 10 ngày sau, tờ 500 triệu đô la xuất hiện (giá trị tương đương 2 USD). Đầu tháng 7/2008, một số nhà quan sát độc lập ước tính tỉ lệ lạm phát của Zimbabwe đã lên tới 8,5 triệu %. 700 triệu đô la khi đó chỉ đủ để mua một ổ bánh mỳ.

Tới ngày 4/7 cùng năm, Zimbabwe thực sự lên “cơn điên” lạm phát. Giá một chai bia vọt lên tới 100 tỉ đô la. Nhưng mức giá này cũng chỉ đứng vững được trong nửa giờ trước khi leo tiếp lên 150 tỉ đô la. Ngày 15/7, các máy in tiền ở Zimbabwe phải ngừng hoạt động vì đã hết cả giấy để in. 4 ngày sau đó, tờ 100 ngàn tỉ xuất hiện, nhưng cũng chỉ đủ để mua một giỏ hoa quả.

Sau nhiều biện pháp chống lạm phát bất thành, tới tháng 4/2009, Zimbabwe ngừng việc in đồng nội tệ và sử dụng đồng đô la Mỹ cùng đồng rand Nam Phi để giao dịch. Động thái này đã giúp nền kinh tế Zimbabwe được hồi phục phần nào.

Giải trí với tiền tỉ



Khi lạm phát bị chặn đứng, tiền mệnh giá “khủng” ở Zimbabwe lại trở thành hàng hiếm, điều ít ai có thể tưởng tượng ra được, nếu biết vào cuối năm 2009 người dân quốc gia châu Phi này đã đồng loạt từ chối chấp nhận sử dụng đồng nội tệ. Dĩ nhiên không phải ai cũng khoái những tờ đô la Zimbabwe. Du khách tới từ những nước đã quá quen với siêu lạm phát như Congo và một số quốc gia châu Phi, Nam Mỹ thường ít quan tâm hơn tới các đồng đô la mệnh giá cao.
Đối tượng tiêu thụ mạnh các đồng tiền chết với mệnh giá lớn này chủ yếu là khách du lịch phương Tây, những người ngoài sự hiếu kỳ còn thấy rằng các đồng bạc đó có thể giúp giải trí tốt. Đơn cử như Wass vẫn thường tạo ra nhiều câu đố xung quanh đồng bạc 100 ngàn tỉ mỗi khi ông bị hoãn chuyến bay trong những lần đi công tác. Câu đố mới nhất của ông như sau: “Các kim tự tháp ở Ai Cập đã 5.000 năm tuổi. Giả sử ta quy đổi 5.000 năm đó thành 155 tỉ giây. Vậy thử tính xem 100 ngàn tỉ giây tương ứng với bao nhiêu năm”? Wass cho biết ông vẫn đang chờ câu trả lời chính xác từ bạn bè và những khách du lịch khác đã từng đặt chân tới Zimbabwe.
(http://tg24h.com)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites