Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Chuyện lạ về hơn 20 loại tiền địa phương ở Đức



Những phương tiện thanh toán mới ở Đức xuất hiện cách đây không lâu. Tất cả bắt đầu từ thành phố Bremen vào năm 2001 khi một nhóm nhà doanh nghiệp phát hành đơn vị tiền tệ mới là “Roland” để thanh toán giữa họ với nhau.

Thời gian đầu mọi người nghĩ đây là trò tiêu khiển của các ông chủ, nhưng nay mới nhận ra là mọi việc không đơn giản như vậy.

Một trong các nhà sáng lập ra đồng tiền địa phương ở Berlin, Alexander Woitasa, giải thích nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện các đồng tiền này là sự đi xuống của nền kinh tế Đức.

Từ khi chuyển sang sử dụng đồng tiền chung châu Âu, Euro, giá cả hàng hóa tăng lên 60% trong khi tiền lương vẫn ở mức cũ. Tỷ giá Euro so với các ngoại tệ khác ngày càng tăng, dẫn đến xuất khẩu không có lợi so với thời kỳ của đồng Mark.

Xuất khẩu giảm làm trì trệ nền sản xuất và hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Khi không có việc làm, nhiều người Đức quen với việc mua chịu. Trong khi đó vay bằng tiền địa phương dễ hơn nhiều và kiếm chúng cũng dễ hơn.

Hiệu quả việc sử dụng tiền địa phương đã nhanh chóng lan ra nhiều vùng ở Đức với những loại tiền màu sắc sặc sỡ, tên gọi lạ như “Chiemgauer”, “Kawans”, “Taler”, “Justus”, “Regio”…


Hiện nay trên toàn quốc có hơn 20 đồng tiền địa phương như vậy, phổ biến nhất là ở vùng phía nam, Bavaria. Ở thành phố Rosenheim có thể mua cốc cà phê giá 3 “Chiemgauer”, còn lọ thuốc ho ở thành phố Einring cạnh đó có giá 4 “Taler”.

Chủ khách sạn, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh khác thu tiền địa phương của khách, rồi dùng chính những đồng tiền đó nhập nguyên liệu của các nhà sản xuất khác ở địa phương phục vụ cho việc kinh doanh. Sự hợp tác đó đã củng cố vị trí của đồng tiền trong khu vực.

Về nguyên tắc, vốn quay vòng càng nhanh thì hiệu quả càng cao, lợi nhuận thu được hấp dẫn đến nỗi các doanh nghiệp sẵn sàng lập ra 2 hệ thống kế toán, một cho Euro và một cho đồng tiền riêng địa phương.

Hiện nay hoạt động có hiệu quả nhất trong các đồng tiền địa phương ở Đức là đồng “Chiemgauer” ở Bavaria. Năm 2006 tổng lượng thanh toán bằng đồng tiền này đạt 1,5 triệu Euro, tăng gấp đôi so với năm 2005. Hiện nay có 90 ngàn “Chiemgauer” lưu thông trên thị trường. Nó là phương tiện thanh toán của gần 550 doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Bavaria. Ngân hàng ở đây cũng đã phát hành thẻ tín dụng cho “Chiemgauer”.

Những đồng tiền địa phương chưa có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Đức. Các nhà kinh tế nhận định: nếu tổng giá trị các đồng tiền địa phương chưa tới 5% tổng lượng tiền lưu thông thì chưa có gì lo ngại. Tuy nhiên, các chuyên gia của Ngân hàng liên bang Đức cũng lo ngại một ngày nào đó Euro sẽ xuống hàng thứ hai, sau tiền địa phương.
Khánh Linh
Theo Tribuna.ru

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites