Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Đọc lịch sử bằng... tiền cổ

Trong suy nghĩ của nhiều người, những đồng xu đã ngã màu thời gian chỉ là vật vô tri vô giác nằm trong đống phế liệu, nhưng với Bùi Tiến Đạt (đường Tống Duy Tân, TP Huế), một người đam mê sưu tầm tiền cổ, nó cũng có linh hồn và chứa đựng trong mình bao chứng tích lịch sử. Với anh, sưu tầm tiền cổ là cách để đọc và gìn giữ lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Anh Bùi Tiến Đạt với bộ sưu tập tiền cổ của mình
Trong giới sưu tầm đồ cổ, Bùi Tiến Đạt còn khá trẻ, mới 34 tuổi. Anh xuất thân trong một gia đình có cha đam mê sưu tầm tiền cổ. Những ngày theo cha tìm tòi, nghiên cứu lịch sử của từng đồng xu, đam mê ấy truyền sang anh lúc nào chẳng hay. Anh kể: “Nhiều hôm, ba tôi kiếm được mấy đồng xu trông rất cũ. Thấy ông cứ săm soi đến quên ăn, quên ngủ, thỉnh thoảng lại cười sung sướng khi phát hiện ra điều gì đó, tôi thấy là lạ. Tôi hỏi và được nghe ông giảng giải về nét đặc biệt của đồng tiền, cả những dấu ấn lịch sử thể hiện qua nó. Tôi bắt đầu hiểu và thấy sở thích của ông thật thú vị. Cha mất, anh được thừa kế bộ sưu tập và cả lòng đam mê của ông. Năm 2000, anh chính thức bắt tay vào sưu tầm tiền cổ.
Anh tìm đọc mọi thông tin liên quan đến tiền cổ. Càng đọc, nghiên cứu, anh càng say mê. Bởi, những đồng tiền ấy cũng có tiếng nói riêng của mình về thời đại nó được sinh ra. Qua đồng tiền, có thể biết được sự biến động của lịch sử. Nó gắn liền với từng vị vua, từng triều đại và niên đại lịch sử nhất định. Ngoài ra, sự xuất hiện của tiền xu ở các nơi cũng gắn liền với những sự kiện lịch sử. Để lý giải những điều này, anh phải tìm đọc lịch sử. Nhờ đó, kiến thức về lịch sử của anh càng thêm uyên sâu. “Càng sưu tầm, tìm hiểu, tôi càng hứng thú với công việc này. Đặc biệt, kỹ thuật, khuôn đúc và thư pháp của tiền cổ luôn hấp dẫn tôi. Đồng tiền có nhiều điểm còn mập mờ càng thôi thúc người nghiên cứu tìm tòi để đưa ra những kiến giải hợp lý”, anh Đạt tâm sự.
Với người thanh niên trẻ này, sưu tầm tiền cổ là thú vui để giải tỏa “stress”. Những khi mệt mỏi, anh lại lần giở bộ sưu tập, mân mê, ngắm nghía từng đồng tiền là bao căng thẳng tan biến. Trò chuyện với chúng tôi, anh say sưa nói về lịch sử, giá trị văn hóa của tiền cổ, đồng thời đưa ra những lý giải về sự xuất hiện và thư pháp của đồng tiền: “Đồng tiền ghi dấu lịch sử của một quốc gia. Hiểu nó, có thể hiểu thêm về lịch sử của đất nước. Vì thế, những đồng tiền cổ đã trở thành tiếng nói lịch sử của một thời đại. Tôi mong rằng, mình và những người có cùng đam mê giữ được dấu ấn lịch sử còn vương lại của dân tộc thông qua tiền cổ”.
Để có được bộ sưu tập quý giá với hàng nghìn xu tiền, anh Đạt đã bỏ ra rất nhiều công sức. Anh thường xuyên đến các cơ sở đúc đồng ở phường Đúc nhặt nhạnh hay săn lùng khắp các sạp đồ cổ ở Huế và các tỉnh lân cận để tìm mua những đồng tiền quý. Cứ nghe thông tin ở đâu có tiền cổ, có khai quật là anh tìm đến. Có khi, anh còn lặn lội ra đến Hà Nội hoặc vào TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hội An... Nghe đâu có người vừa nhặt được đồng tiền hiếm, dù xa hay trong túi không đủ tiền anh cũng vay mượn để mua. Với anh, niềm đam mê như đã “ăn sâu” vào máu. Cũng không hiếm lần tiếc rẻ khi giá trị của đồng tiền vượt xa khả năng kinh tế của anh: “Khi ấy, tôi báo cho những người quen có điều kiện hơn mua, để khi nhớ, mình có thể nhìn ngắm, sờ nắn, rứa cũng thỏa lòng”.
Bộ sưu tập quý giá
Anh Đạt chủ yếu sưu tập tiền Việt Nam từ năm 1945 trở về trước. Hiện tại, anh đang có một bộ sưu tập tiền xu cổ “khổng lồ”, tập hợp tương đối đầy đủ các hiệu tiền của các triều đại phong kiến Việt Nam, từ Đinh, Lý, Trần, Lê đến nhà Nguyễn; trong đó, có các đồng tiền quý như: đồng “Thái Bình Hưng Bảo” thời Đinh Tiên Hoàng, đây là đồng tiền được đúc đầu tiên của Việt Nam; đồng “Đại Bảo Thông Bảo” (thời vua Lê Thái Tông); hay đồng “Bảo Đại Thông Bảo”, là đồng tiền cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Ngoài ra, anh còn sưu tập tiền của Trung Quốc (thời Tần Hán, Tam Quốc, Đường… như đồng Ngũ Thụ, Bán Lạng…), Nhật Bản, Triều Tiên để đối chiếu niên đại với tiền Việt Nam.
Riêng bộ sưu tập tiền cổ các triều đại Việt Nam của anh có hơn 40 loại, mỗi triều đại có từ 4 - 5 chủng loại. Với bộ tiền triều Nguyễn, anh có tới 9 loại, đặc biệt là thời kỳ chúa Nguyễn ở Đàng trong. Trong bộ sưu tập của anh Đạt, độc đáo nhất là đồng tiền “Thiệu Trị Thông Bảo” được đúc bằng đồng thau. Đó là đồng tiền có 2 mặt với 2 niên hiệu khác nhau.Mặt trước của tiêu bản này là niên hiệu “Thiệu Trị Thông Bảo”, nhưng mặt sau lại là niên hiệu “Gia Long Thông Bảo”. Đây là đồng tiền mà anh tâm đắc nhất và chưa có kiến giải thoả đáng. Đó có thể là cách tưởng nhớ bậc tiền nhân của vị vua Thiệu Trị, hoặc là do nó bị đúc lỗi. Theo đánh giá của giới sưu tầm tiền cổ thì đây là đồng tiền độc nhất và tới thời điểm này chưa ai có.
Yêu quý những đứa con tinh thần của mình, những đồng tiền cổ luôn được anh cất giữ cẩn thận, nâng niu như một báu vật. Mỗi bộ tiền đều được anh phân loại theo từng thời kỳ, niên đại và sắp xếp theo trình tự thời gian trong những cuốn album chuyên dụng một cách khoa học.Nhìn những đồng xu được trưng bày trên kệ, người xem hẳn không khỏi thán phục về độ am tường của người sưu tầm tiền cổ còn khá trẻ này.
Theo ThuathienhueOnline

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites