Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Tinh hoa văn hóa quốc gia hội tụ trên tờ tiền giấy

Hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 28.000 loại tiền giấy có mệnh giá khác nhau (với hơn 200 nước, mỗi nước có trên dưới 100 loại). Có những quốc gia có rất nhiều loại tiền như Trung Quốc (gần 1.000), trong khi đó Mỹ chỉ có dưới 100 loại tiền và cũng có nước như Singapore chỉ có 24 loại tiền...

Tiền giấy để sưu tầm lại có nhiều tiêu chí phân loại khác nhau, loại được ngân hàng chính thức phát hành để tiêu dùng, loại in ra nhân các dịp kỷ niệm (chỉ có giá trị như một kỷ niệm chương, tuy cũng có những loại tiền in số lượng ít để kỷ niệm nhưng vẫn lưu hành được, chẳng hạn tờ 2 USD phát hành nhân kỷ niệm 200 năm thành lập nước Mỹ). Rồi loại tiền đã in ấn xong chuẩn bị phát hành thì bị một biến cố chính trị- xã hội nên phải ngưng, hoặc loại tiền mẫu, tiền in lỗi... tất cả những đặc điểm và tiêu chí phân loại đó đều là cái đích trong hệ thống sưu tầm của giới “chơi tiền” nói chung.

Trong một lần đi công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã gặp ông Trần Lập- Giám đốc Công ty TNHH - TM - thiết bị công nghiệp Anh Trường (203 Nguyễn Biểu, Q.5, TP.HCM). Ông Lập chưa từng tham gia câu lạc bộ sưu tầm nào và cũng không lui tới với người trong giới. Nguồn sưu tập chủ yếu mà ông có được chủ yếu từ việc “đón hàng” ở những tay chơi nhà giàu đem tiền “xách tay” từ nước ngoài về. Trong khoảng hơn 20 năm, ông Lập đang có một bộ sưu tập tiền giấy với số lượng trên 3.000 tờ, của 190 quốc gia trên thế giới. Những con số này đã đưa nhà sưu tập lên hàng “độc nhất vô nhị” trong làng sưu tầm tiền giấy từ Nam tới Bắc.

Trong bộ sưu tập của ông, có những loại tiền chẳng phải cổ xưa gì nhưng đối với dân sưu tập thì khá đắt giá. Chẳng hạn, loại tiền mệnh giá 5.000 và 10.000 đồng của chế độ cũ. Nó được in năm 1974 và dự kiến phát hành vào năm 1975, nhưng chưa kịp thực hiện thì chế độ bị xụp đổ sau giải phóng 30/4/1975. Mỗi loại chỉ 2 tờ này được định giá 400 USD. Đồng 10 kíp của Lào trước ngày giải phóng 1975 cũng có giá trị tương tự. Còn đồng tiền mà quân Kh’mer Đỏ phát hành trong rừng trước khi bị tiêu diệt ở Campuchia lại có giá trị cao hơn nữa, khoảng từ 2.000 đến 3.000 USD/bộ.

Mở rộng hơn, bộ sưu tập của ông còn có khá nhiều loại tiền lạ. Có những loại tiền của những quốc gia mà nhắc đến tên không phải ai cũng biết và nhớ nổi: Chad, Cyprus, Bahamas, Barbados, Bahrain... Cả các đảo quốc xa lạ như Solomon, Samoa, Fiji... Tiền mới như đồng tiền của Đông Timor, quốc gia mới tách khỏi Indonesia, hoặc như tất cả tiền của 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, khi mới trở thành các quốc gia độc lập.

Chiếm số lượng lớn nhất vẫn là các loại tiền giấy Việt Nam qua tất cả các thời kỳ, từ lúc Pháp phát hành tờ giấy bạc Đông Dương năm 1875 trở về sau, kế tiếp sau đó là các loại tiền Trung Quốc, nhiều nhất là giai đoạn 1932 - 1949.

Tính chung, bộ sưu tập của ông Lập gần như có đủ các quốc gia của năm châu lục, với nước ít nhất cũng có 3 loại tiền... Trị giá đầu tư cho bộ sưu tập của ông ước chừng 30.000 USD. Ông cho biết: “Có người đặt hàng, trong vòng nửa năm tôi có thể kiếm đủ cho họ một bộ sưu tập 200 loại tiền với trị giá khoảng 25.000 USD”.

Nhìn vào hệ thống tiền giấy của mỗi quốc gia, người ta dễ nhận thấy những nét đặc trưng văn hóa không thể lẫn lộn, ít nhất là trên bình diện châu lục. Rõ ràng khi thể hiện các họa tiết, hoa văn và hình ảnh trên đó, các họa sỹ thường gửi gắm những thông điệp có tính đại diện, bao quát được nhiều nhất đặc trưng văn hóa dân tộc. Đây có thể xem là tinh hoa, cốt túy quốc gia, cùng với trình độ công nghệ kỹ thuật mà mỗi quốc gia đạt được.

Nhà sưu tập Trần Lập nhờ “nghề” sưu tầm tiền đã trở nên khá am tường các vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới: “Tôi thường xuyên chịu khó tra cứu sách báo, tài liệu, từ điển nên kiến thức luôn được cập nhật. Chính nhờ việc sưu tầm tiền mà vốn hiểu biết nói chung của tôi được mở mang rất nhiều, giá trị về mặt văn hóa tinh thần có được là rất lớn”. Ông cho biết, nếu bảo tàng, hội đoàn, cá nhân nào muốn mượn hoặc trao đổi hiện vật thì ông sẵn sàng phục vụ, giúp những người cùng sở thích có dịp giao lưu, trao đổi với nhau.
MT
(Theo Ngân hàng nhà nước VN)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites