Ngoài giá trị hiển nhiên của một phương tiện thanh toán, tiền còn thể hiện đặc trưng của các quốc gia và vùng lãnh thổ phát hành. Chính vẻ đẹp đó được các nhà sưu tập cất công tìm kiếm.
Sưu tập tiền cổ là thú vui có từ rất lâu. Nhưng trong thú chơi này, có một số ít người sưu tập tiền còn đang lưu hành, trong đó chú trọng đến hoạ tiết, hoa văn và màu sắc... hơn là giá trị đồng tiền.
Chơi tiền đẹp
Những tờ tiền giấy đủ kích cỡ, khi thì bé xíu bằng 3 ngón tay như tiền của Somaliland, có tờ lại mong manh như một tấm vé số - tiền Nam Cực... Nhưng tổng hòa lại, tiền của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ có những đặc điểm dễ nhận ra.
Chẳng hạn tiền các nước khu vực châu Phi thường có màu sắc sặc sỡ, chi tiết cầu kỳ; tiền khu vực châu Mỹ thường gắn với những vị anh hùng, những cuộc khởi nghĩa, hình các bộ tộc đặc trưng... Chính vẻ đẹp phong phú đó mang đến niềm cảm hứng cho các nhà sưu tập tiền đang lưu hành.
Tiền Brazil.
Là người đang sở hữu một bộ sưu tập tiền đang lưu hành của các nước trên thế giới thuộc loại đồ sộ ở Việt Nam hiện nay, anh Huỳnh Minh Hiệp cho biết: "Do phải tính đến chuyện tránh bị làm giả nên tiền in của mỗi nước có những nét độc đáo rất riêng và thú vị. Tiền được in nổi, in chìm, in nhiều màu, in mờ, in bóng, đậm nhạt... rất khác nhau, chẳng nước nào giống nước nào".
Tôm hùm, sản vật của đảo Chatham in trên tờ 2 USD.
Qua hơn 10 năm sưu tập, Hiệp có gần như đủ tiền các nước trên thế giới. Nhờ có thời gian làm trong cửa hàng miễn thuế sân bay Tân Sơn Nhất, Hiệp có điều kiện tiếp xúc và đổi tiền với nhiều khách nước ngoài.
Sắc màu của thu hoạch vụ mùa trên tiền Costa Rica.
Bên cạnh đó, anh còn nhờ bạn bè, người thân ở nước ngoài... săn tìm những đồng tiền đẹp của những quốc gia ít được biết đến. Khái niệm chơi tiền đẹp chỉ đến với Hiệp khi anh có trong tay khá đầy đủ tiền của các nước. Qua so sánh tổng quan giữa tiền các nước, anh phát hiện ra những tờ tiền giấy nhỏ ấy chứa đựng những giá trị mỹ thuật cực kỳ phong phú và đa dạng.
Gương mặt “Chúa sơn lâm” in trên tiền Nam Phi
Có những đồng tiền dày đặc những chi tiết nhỏ, nhưng cũng có những tờ trình bày đơn giản bằng những hình khối, màu sắc hiện đại và ấn tượng. Điều đó cho thấy khả năng sáng tạo vô hạn của các nhà thiết kế tiền trong việc chuyển tải những hình ảnh đặc trưng của quốc gia, dân tộc lên từng tờ giấy bạc.
Trong chuyện chơi tiền đẹp, ngoài vẻ đẹp hình thức, giới sưu tập còn chú ý đến một chi tiết rất nhỏ, đó là số serie. Một nhà sưu tập tiền đang lưu hành ở quận 5 có hẳn một bộ sưu tập các tờ USD toàn số serie đẹp, khi số gánh, số tăng dần, số giảm dần, số tứ quý, số đối xứng, số 9 nút... Nhà sưu tập cho biết để có được các số sêri đẹp giá trị từng đồng khác nhau từ nhỏ đến lớn là cả một kỳ công. Ngoài chuyện nhờ các mối quan hệ khắp nơi, anh phải mua lại một đồng tiền số đẹp cao hơn 25-50% giá trị thực của nó.
Trang trí nội thất bằng tiền
Tiền còn hiện diện trong trang trí nội thất, chẳng hạn những đồng tiền xu cổ hình tròn, tâm hình vuông, được xâu lại thành dây hoặc những vật dụng lạ mắt. Ở căn nhà cổ trên đường Nguyễn Thái Học - Hội An, ngay trước cửa ban công có treo một cây kiếm được kết lại từ những đồng xu cổ.
Chủ nhân ngôi nhà cho biết: "Cây kiếm này được treo từ hơn 100 năm nay. Các đồng tiền gắn kết với nhau bằng hai sợi dây đỏ, ngụ ý: liên tiền, tượng trưng sự dồi dào, sung túc. Ngoài giá trị trang trí, tiền kết lại thành thanh kiếm treo ở vị trí này còn có ý nghĩa phong thuỷ, trấn ếm tà ma...".
iền xu cổ theo những con tàu buôn xưa kia, một số được tìm thấy trong xác tàu đắm, dính thành khối hoặc nằm trong các lu, khạp cũng là một vật trang trí đẹp trong nhà. Ở Đà Nẵng, quán cà phê của một đại gia đồ cổ có trang trí rất nhiều tiền cổ, trong đó có một lu tiền cổ lớn đã bể gần hết phần đất nung bên ngoài, để lộ những đồng tiền bên trong được gắn kết với nhau rất đẹp.
Ở quán này còn có mô hình con tàu lớn, vỏ tàu được chủ nhân gắn tiền xu cổ kín đặc, được trưng bày trang trọng giữa nhà. Ở Sài Gòn, tiền xu cổ lẻ trên thị trường đồ cổ giá không cao, nhưng những khối tiền kết lại tuỳ trọng lượng, hình dạng sẽ được đẩy giá lên nhiều, có thể nói là vô giá.
Với tiền giấy, nhất là ở mảng tiền còn lưu hành, Sài Gòn hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay những người biết chơi tiền giấy đẹp và dùng trang trí. Ở một căn nhà trên đường Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP HCM), chủ nhân là một nhà sưu tập các loại tiền còn đang lưu hành trên thế giới. Anh phân loại những đồng tiền có giá trị mỹ thuật cao, cầu kỳ, phức tạp trong nét in, màu sắc ấn tượng trên từng tờ, sau đó lồng vào khung kính treo ở các vị trí thay tranh vẽ.
Tiền làm vật trang trí trên những mảng tường thay tranh vẽ.
Chủ nhân giải thích: "Tiền để rời, bạn bè đến xem hay chú ý vào giá trị của nó, chẳng hạn đồng này trị giá bao nhiêu so với tiền Việt. Nhưng khi lồng vào khung kiếng, treo ở các vị trí trong nhà, người xem lại không chú ý đến giá trị của nó nữa mà thường tập trung nhìn vào vẻ đẹp, từng hoạ tiết của đồng tiền. Cách chọn tiền cũng khá phức tạp, phải chọn những đồng tiền đẹp có kích thước tương đương, rồi phải chọn màu sắc chung sao cho phù hợp, để khi xếp vào khung kiếng màu sắc và kích cỡ các đồng tiền phải tương đồng với nhau, không khác một bức tranh hoàn hảo".
Bàn ăn được “lát" tiền dưới lớp kính.
Cùng với tiền rời từng tờ xếp trong khung kính, chơi tiền chưa cắt cũng là một thú vui mới của những người sưu tập. Từng bản tiền lớn 4 tấm, 8 tấm, 16 tấm, lớn nhất là 32 tấm mới in, chưa cắt ra thành từng đơn vị đồng nhỏ được các nhà sưu tập chú ý. Huỳnh Minh Hiệp có lượng tiền sưu tập chưa cắt khá lớn. Anh cho biết: "Kiếm tiền chưa cắt khó lắm, phải qua nhiều mối quan hệ, tốn thời gian cũng như tiền bạc mới mua được".
Hũ tiền cổ còn nguyên khối cũng là vật trang trí lạ mắt.
Nếu dùng để trang trí, tiền chưa cắt có hiệu ứng cao hơn, ấn tượng hơn bởi có khổ lớn. Chẳng hạn 8 tờ tiền 2 USD chưa cắt lồng vào khung kiếng chắc chắn sẽ giá trị và bắt mắt hơn nhiều so với ghép 8 tờ 2 USD rời lại với nhau.
Khái niệm trang trí nhà bằng tiền đang lưu hành còn khá mới mẻ, thậm chí gây sốc với những ai lần đầu nghe qua chuyện này. Nhưng đó là một khám phá mới mà không phải ai trong chúng ta cũng có dịp tiếp cận.
(Theo SGTT)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét